Tuyên án sơ thẩm 21 năm tù đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết

Thứ ba, ngày 6 tháng 8 năm 2024 | 15:50

Chiều 5/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án tại Tập đoàn FLC. Hội đồng Xét xử xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chủ mưu, chỉ đạo nâng khống vốn Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.300 tỷ đồng.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 7 bị cáo khác bị truy tố về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

42 bị cáo còn lại đối mặt với các nhóm tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", "Thao túng thị trường chứng khoán", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tin liên quan

Xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tổng hợp là 21 năm tù.

Cùng tội danh với bị cáo Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán BOS (là hai em gái của bị cáo Quyết), lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù; bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù; bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Faros bị tuyên phạt 11 năm tù.

Với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HoSE bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc HoSE bị tuyên phạt 5 năm tù; bị cáo Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó Tổng Giám đốc HoSE bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết HoSE bị tuyên phạt 30 tháng tù treo.

Với tội danh “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát Công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị tuyên phạt 36 tháng tù.

Với 41 bị cáo khác, Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 15 tháng treo đến 7 năm 6 tháng tù các tội theo truy tố.

Trong bản án tuyên chiều ngày 5/8, Hội đồng xét xử cho biết, quá trình lượng hình đã xét toàn diện vai trò từng bị cáo, tính chất mức độ phạm tội, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và ý thức khắc phục hậu quả.

 

Vụ án Tập đoàn FLC được đánh giá là "đại án" do quy mô khổng lồ của vụ việc.

Những con số đáng chú ý của vụ án

- Hơn 50 luật sư đã đăng ký bào chữa trong phiên tòa, riêng ông Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư.

- Phiên tòa ngày 22/7 lập kỷ lục về số người được triệu tập, hơn 93.000 người (hơn 30.000 người bị hại và hơn 64.000 người liên quan, đều là những nhà đầu tư, từng mua cổ phiếu của ông Quyết).

- Trong số 50 bị can có 13 người là em ruột, anh em, cháu họ của bị cáo Quyết; 2 người bạn và 1 lái xe của ông Quyết.

- Đến chiều ngày 5/8, số người bị hại được xác định là 25.853 người.

Khắc phục hậu quả

Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo liên đới bồi thường 1.785 tỷ đồng cho nhóm hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tính đến ngày 26/7, ghi nhận các bị cáo đã bồi thường 264 tỷ đồng. Đối với nhóm hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, Hội đồng xét xử buộc các bị cáo nộp liên đới bồi thường số tiền 684 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cũng xác định các bị cáo khác đã nộp hơn 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả tính đến ngày 29/7.

Trịnh Văn Quyết đề xuất sử dụng toàn bộ tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

4.300 tỷ đồng là số tiền mà cơ quan tố tụng đã xác định bị cáo Quyết phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình xét xử, bị cáo Quyết cũng đã bày tỏ nguyện vọng, mong cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi với các tài sản cá nhân đã và đang bị phong tỏa để bị cáo có thể thực hiện bồi thường.