'Tuyển dụng' ChatGPT
Bằng cách làm chủ công nghệ nền tảng, để từng bước phát triển công nghệ lõi, tránh phụ thuộc vào bên ngoài, việc ứng dụng AI nói riêng và công nghệ nói chung vào hiện đại hóa quy trình quản lý nhà nước mới đạt được hiệu quả thực tế và lâu dài.
Trong số 1.000 doanh nghiệp được khảo sát, 48% đã ứng dụng ChatGPT vào công việc và đang dần thay thế nhân sự ở một số vị trí, Sở Thông tin & Truyền thông TP HCM cho biết tại Tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”, hôm 1/3.
Lãnh đạo Sở hy vọng tìm hiểu sâu hơn về ChatGPT để khai thác những lợi thế của ứng dụng này trong quản lý nhà nước.
Tôi ủng hộ nỗ lực ứng dụng công nghệ vào quá trình hiện đại hóa dịch vụ hành chính công. Nhưng với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin 28 năm qua, tôi nghĩ nên nhận diện rõ hơn đặc tính của ChatGPT cũng như các ứng dụng tương tự trước khi bàn tới chuyện "tuyển nó vào biên chế".
Vào thời điểm vừa ra mắt, khi "trí khôn" của ChatGPT gây ngạc nhiên lớn và khiến lượng đăng ký tài khoản OpenAI vượt quá con số 100 triệu, nhiều người dùng ở Việt Nam đã phát hiện ra hạn chế về tính chính xác của nó.
Chẳng hạn, khi được yêu cầu tóm tắt tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, ChatGPT trả lời: "Tác phẩm kể về câu chuyện tình yêu đau đớn giữa nhân vật chính là một người đàn ông trẻ tên Lâm và một phụ nữ đã có chồng tên là Châu". Sai bét.
Nhưng khi tôi dẫn link chứa nội dung tóm tắt đúng và nhắc nhở nó về việc không được bịa chuyện, ChatGPT xin lỗi và tiếp tục... bịa ra cốt truyện khác: "Tác phẩm nói về nhân vật Kiên - một nhà văn đã nghỉ hưu... Kiên trải qua những đau buồn trong quá khứ khi tham gia chiến tranh Việt Nam... Anh phải đối mặt với những ký ức của mình về chiến tranh, mất mát và những thất bại trong tình yêu". Tôi đoán nó đã cóp nhặt không chính xác từ đâu đó nội dung "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh để gán cho "Tắt đèn".
Dù đã được ứng dụng ở một phạm vi và tỷ lệ nhất định vào công việc, hiệu quả của ChatGPT là chưa được chứng minh. Như ví dụ tôi vừa dẫn ra, một trong những điểm yếu của chatbot này là nó chú trọng vào việc đưa ra những câu trả lời mang tính hợp lý hơn là chính xác.
ChatGPT dựa vào trí tuệ đám đông, sử dụng kỹ thuật "học tăng cường từ phản hồi của con người" (Reinforcement Learning from Human Feedback - RLHF), đồng thời áp dụng mô hình trao thưởng (reward model) nhằm khuyến khích những câu trả lời được đánh giá đúng và hạn chế những thứ gây hại. Lợi thế của việc dựa vào trí tuệ đám đông là tỷ lệ đúng sẽ cao. Tuy nhiên OpenAI chưa có giải pháp đảm bảo 100% câu trả lời đúng. Trong khi đó, nếu áp dụng vào dịch vụ hành chính công, điều kiện tiên quyết là các câu trả lời phải đảm bảo hoàn toàn chính xác cho người dân.
Thách thức thứ hai liên quan tới tính bảo mật và an ninh dữ liệu. Tất cả dữ liệu người dùng đều được chuyển cho server đặt ở nước ngoài do OpenAI quản lý. Vì thế, việc ứng dụng công cụ này vào quản lý nhà nước cần lưu ý đến khả năng nhiều thông tin nhạy cảm về an ninh, chính trị sẽ được người dùng cung cấp thiếu kiểm soát.
Nếu cần sử dụng ChatGPT, chúng ta có thể tham khảo thêm trường hợp Singapore. Theo Straits Times, chính phủ Singapore đang có dự án tích hợp ChatGPT vào Microsoft Word và sẽ triển khai cho 90.000 công chức, bắt đầu với Văn phòng Chính phủ Kỹ thuật số và Quốc gia Thông minh (SNDGO).
Tuy nhiên, Singapore cũng đạt được thỏa thuận yêu cầu thông tin, dữ liệu của chính phủ phải được quản lý riêng, đảm bảo bí mật và nằm ngoài tầm mắt của Microsoft và OpenAI.
Nhóm nghiên cứu và triển khai dự án này đã huấn luyện để công cụ có thể giúp công chức những việc đơn giản như viết email, soạn thảo văn bản, tóm tắt thông tin, viết nháp báo cáo về các chính sách. Nhưng nó đồng thời có thể nhận biết và hủy bỏ ngay các thông tin nhạy cảm để không làm lộ ra ngoài.
Chủ quyền dữ liệu là vấn đề tiếp theo được đặt ra và sẽ liên quan chặt chẽ đến câu chuyện quan trọng hơn - quy hoạch chiến lược AI quốc gia. Kết quả cung cấp từ ChatGPT với ngôn ngữ tiếng Việt không chất lượng như khi đặt câu hỏi và trả lời bằng tiếng Anh. Để giải quyết thách thức này, điều cần thiết là chính phủ và doanh nghiệp phải đầu tư phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Việt, phục vụ nhu cầu thiết thực và lâu dài của người Việt Nam.
Sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn, như ChatGPT, đã mang đến một kỷ nguyên mới của công nghệ trí tuệ nhân tạo, có khả năng cách mạng hóa cách chúng ta tương tác với máy tính và thế giới xung quanh. Tuy nhiên, sự hạn chế của các ngôn ngữ không phải tiếng Anh và chi phí đào tạo và vận hành các mô hình này cao là một thách thức đáng kể đối với việc áp dụng rộng rãi ở các quốc gia như Việt Nam.
Các nhà quản lý mong muốn ứng dụng ChatGPT, nói rộng ra là AI, để phục vụ dân chúng thành phố tốt hơn. Tuy nhiên, những vấn đề nền tảng cần giải quyết trước từ gốc bao gồm: cải thiện chất lượng dịch vụ công, đào tạo huấn luyện công chức, xử lý dữ liệu sạch.
Tôi thực sự khuyến nghị chính phủ và doanh nghiệp cập nhật các chiến lược phát triển AI và ưu tiên phát triển dịch vụ ChatGPT cho riêng người dân Việt Nam, theo cách thận trọng, khoa học, thay vì sử dụng sản phẩm công nghệ có sẵn.
Bằng cách làm chủ công nghệ nền tảng, để từng bước phát triển công nghệ lõi, tránh phụ thuộc vào bên ngoài, việc ứng dụng AI nói riêng và công nghệ nói chung vào hiện đại hóa quy trình quản lý nhà nước mới đạt được hiệu quả thực tế và lâu dài.
Nguồn: https://vnexpress.net/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo