Tuyển nữ Việt Nam nhận mưa tiền thưởng, chính sách vẫn hụt hơi
Dõi theo thông tin về chuyện đội tuyển bóng đá nữ quốc gia nhận được cơn mưa tiền thưởng, quả là tin vui khó tả. Vui bởi đó là những gì xã hội nhìn nhận, đánh giá các cô gái "kim cương" của chúng ta.
Họ quá xứng đáng được thưởng như vậy và lẽ ra còn hơn thế. Thế nhưng, chuyện động viên, đãi ngộ của nhà nước với các nữ tuyển thủ xem ra lại là vấn đề lớn cần xem lại. Họ không được thưởng gì trong sự kiện này ngoài tấm huân chương của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng kèm theo tiền thưởng tượng trưng như quy định, dù họ đã cầm chiếc vé dự World Cup 2023 một cách thần kỳ và đầy tự hào.
Những người hùng đội tuyển nữ Việt Nam được người dân TP.HCM chào đón trong cờ hoa. Ảnh: Tùng Tin |
Rõ ràng các nhà làm chính sách trong ngành thể thao bị tụt hậu xa quá so với thực tế? Tất nhiên, cần nói cho thật sòng phẳng: Đây chắc không hẳn là lỗi của ngành thể thao nước nhà mà từ nơi phê duyệt cao hơn nữa. Do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên nếu có đề xuất thì nơi cấp ngân sách chắc gì đã thông qua.
Chế độ khen thưởng chưa tính đến kỳ tích
Phải chăng việc các đội tuyển bóng đá của nước nhà, từ tuyển trẻ đến tuyển Futsal và vừa rồi là tuyển nữ vẫn chưa được các nhà hoạch định chế độ khen thưởng dám "mơ" đến việc chúng ta lại tự hào có mặt tại World Cup. Vì thế chưa đưa ra ngưỡng trọng thưởng, cũng như chưa tính được cả mức thưởng nếu chỉ cần được tham dự Olympic, tham dự World Cup... cho các VĐV.
Từ năm 2016, tuyển trẻ U19 sau khi vào sâu Giải châu Á đã giành quyền dự World Cup U20 đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy đề xuất để bổ sung chính sách khen thưởng ngưỡng vào sâu này sao cho tương xứng đối với các đội tuyển bóng đá khi được tham dự cúp thế giới.
Thực ra, nghị định 152/2018/NĐ-CP về chế độ với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu được ban hành tháng 11/2018 có quy định rất rõ các mức thưởng đối với thành tích thi đấu quốc tế. Nó cũng có khá hơn so với quy định cũ và ít nhiều cho thấy ngành thể thao nước nhà ngày càng được coi trọng hơn.
Tuy nhiên, khi đoạt thành tích để có thưởng thì xem ra chúng ta còn khó với tới nếu VĐV đoạt HCV, HCB, HCĐ tại Olympic thế giới. Lúc đó, số tiền thưởng sẽ lần lượt là 350 triệu đồng, 220 triệu đồng và 140 triệu đồng. Ai phá kỷ lục thì sẽ được thưởng thêm 140 triệu đồng. Nghị định cũng quy định các mức thưởng ở các đại hội khác cũng như ở các giải vô địch thế giới, vô địch châu Á, Đông Nam Á.
Các mức thưởng dành cho VĐV có huy chương nhưng để lọt được đến dự World Cup thì vẫn chưa được thưởng gì dù không dễ dàng. Còn để đoạt được giải trên lại càng vô cùng khó. Nếu nói rằng việc đưa ra mức thế này âu cũng chỉ khích lệ "chơi chơi" chứ không thực chất cũng là có lý. Vì làm sao chúng ta có thể giành được những giải tầm thế giới!
Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trao tặng 5,5 tỷ đồng cho đội tuyển bóng đá nữ. Ảnh: Song Ngư |
Nên chăng, ngoài mức thưởng như trên thì với ngưỡng vượt qua các vòng bảng, kỷ lục cũ để được tham dự Olympic hay World Cup, nhà nước cũng nên có những khoản thưởng nào đó để động viên các tuyển thủ thực tế hơn chứ không chỉ trông chờ từ nguồn xã hội hoá hay vận động đóng góp như vừa qua.
Đồng lương bèo bọt
Theo thông tin trên mặt báo, tổng cộng số tiền thưởng tính đến chiều 10/2, đội tuyển nữ Việt Nam được nhận 23,155 tỷ đồng. Đó là chưa kể địa phương nào có cầu thủ trong đội tuyển thưởng thêm nữa.
Số tiền mà kỳ này đội tuyển nữ nhận là từ Liên đoàn, từ nguồn xã hội hoá mà đến ngay cả Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng phải trực tiếp đứng ra vận động 4,5 tỷ đồng. Tôi hiểu rằng, Thủ tướng quá hiểu nên mới mở lời đến các doanh nghiệp ít nhiều có tiềm lực nhất. Nếu không có những nguồn như vậy thì “các cô gái kim cương” theo cách nhìn trân trọng của Thủ tướng - sẽ được gì?
Cũng nên biết rằng, tại câu lạc bộ, các nữ cầu thủ có cuộc sống hầu như không hề dễ chịu chứ chưa nói đến giai đoạn cuối sự nghiệp gặp biết bao khó khăn nếu không có nghề nghiệp trong tay.
Hiện mức lương của các cầu thủ nữ tại câu lạc bộ khá thấp. Nếu như được đầu quân cho những đội bóng ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh hay Hà Nam, mức lương có thể vào khoảng 5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi tiền ăn. Còn với những đội bóng ở các tỉnh nhỏ, nghèo thì mức lương của họ chỉ vài ba triệu đồng. Thật ngậm ngùi nếu như không có cơ hội lên tuyển để hy vọng có thêm tiền thưởng khi thi đấu thành công.
Để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống, mua thêm mỹ phẩm làm đẹp hoặc kem chống nắng tránh bị hỏng da khi ra sân, các nữ cầu thủ đa phần chỉ còn mỗi cách cùng nhau chấp nhận bớt tiền ăn lại một chút. Và đương nhiên có thể do vậy mà sẽ ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng chưa đảm bảo cho tập luyện, thi đấu.
Ăn chưa đủ chất, tập luyện sẽ càng vất vả rồi có thể hụt hơi, nhưng rồi chẳng ai than lấy một lời vì họ đành chấp nhận và cống hiến hết mình vì người hâm mộ...
Đã đến lúc ngoài sự hảo tâm của doanh nghiệp, nhà nước cũng nên điều chỉnh, sửa đổi chính sách khen thưởng cho thật thoả đáng và căn cơ để từ đó, các tuyển thủ quốc gia thêm phấn khởi khi ra đấu trường quốc tế thi đấu, bất kể là bộ môn nào.
Với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, việc có được tấm vé dự World Cup 2023 quả là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước ta.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/tuyen-nu-viet-nam-nhan-mua-tien-thuong-chinh-sach-van-hut-hoi-815519.html
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí