Tỷ giá VND/USD có thể
Nguồn: SSI Research.

Tỷ giá hạ nhiệt

Trên thị trường ngoại hối thế giới, sau dữ liệu khả quan về tình hình lạm phát được công bố, chỉ số Dollar-Index (DXY) đã có dấu hiệu suy giảm kể từ đầu tháng 7. Thống kê cho thấy, chỉ số DXY trong tháng 7 đã rời mốc 104 điểm về 103,7 điểm vào ngày 17/7. Diễn biến này có được là do mức CPI của Mỹ có dấu hiệu giảm nhiệt sau 2 năm. Hiện tại, từ đầu tháng 8, chỉ số DXY đều duy trì ở mức dưới 104 điểm.

Tuy nhiên sau đó, đồng USD đã không mất quá nhiều thời gian để quay trở lại mức 104,2 điểm. Nguyên nhân là giới phân tích có sự thận trọng vì cần chờ đợi thêm những tín hiệu rõ ràng hơn về nền kinh tế Mỹ, để có phán đoán cụ thể hơn về hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đối với lãi suất đồng USD. Nhiều đánh giá cho thấy, thị trường đang nghiêng nhiều về dự báo FED sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm vào tháng 9 tới.

Ở thị trường trong nước, theo dữ liệu từ MBS Research, việc chỉ số DXY suy yếu cùng với sự can thiệp hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc bán ngoại hối, đã giảm bớt áp lực lên tỷ giá VND/USD trong tháng 7.

Theo số liệu của đơn vị này, tính đến đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 6,4 tỷ USD kể từ cuối tháng 4, nhằm kiềm chế gia tăng áp lực lên tỷ giá. Hơn nữa, “việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao cũng góp phần giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó hỗ trợ chống lại sự mất giá của tiền Đồng” – chuyên gia của MBS Research nói thêm.

Theo đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm xuống mức 25.314 VND/USD trong tháng 7, đánh dấu mức tăng 3,9% kể từ đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do cũng có diễn biến tương tự khi giảm mạnh xuống mức 25.645 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.249 VND/USD, tăng lần lượt 3,6% và 1,8% so với đầu năm.

Có thể “dễ chịu” hơn, nhưng áp lực thường trực

Tỷ giá VND/USD có thể

Nhiều chuyên gia đều cho rằng, tình hình tỷ giá có thể sẽ “dịu hơn” trong nửa cuối năm. Tỷ giá VND/USD có nhiều dư địa hơn để bình ổn nhờ cả yếu tố trong nước và ngoài nước. Điểm tựa lớn nhất để “kìm” đà tăng của tỷ giá VND/USD chính là kỳ vọng vào việc FED sẽ hạ lãi suất đồng USD.

Theo thống kê của CME FedWatch Tool, 97,5% nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên tại kỳ họp tháng 9, mức giảm kỳ vọng đã tăng lên 0,5% trước số liệu về việc làm tháng 7 kém tích cực và rủi ro địa chính trị gia tăng.

Thêm vào đó, đối với tình hình trong nước, với dữ liệu hiện tại, nhiều khả năng dòng vốn FDI vẫn được dự báo tăng, cán cân thặng dư thương mại dương và nguồn kiều hối cuối năm cũng là những yếu tố bổ trợ rất quan trọng cho việc giữ ổn định tỷ giá VND/USD.

Theo dự báo của các chuyên gia MBS Research, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong quý IV/2024 dưới những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực, dòng vốn FDI tăng và du lịch phục hồi mạnh mẽ… “Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024” – Chuyên gia MBS Research cho hay.

Tuy vậy, cũng có nhiều quan điểm bày tỏ sự thận trọng đối với diễn biến tỷ giá cuối năm. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia chia sẻ, diễn biến tỷ giá từ nay tới cuối năm vẫn là một còn đường “gập ghềnh”, mặc dù sức ép về mặt lý thuyết có thể bớt “căng” hơn. Chuyên gia này cho rằng, thị trường ngoại hối quốc tế còn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ, ngay cả việc FED có hạ lãi suất đồng USD hay không vào tháng 9 tới vẫn cần thêm nhiều tín hiệu rõ ràng hơn. Trên thực tế, tỷ giá trong nước đang quay đầu tăng trở lại trong những ngày gần đây.

Theo các chuyên gia của SHS Research, tỷ giá USD/VND dự báo vẫn duy trì ở mức cao hiện tại cho đến hết quý III/2024 khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thường tăng nhằm phục vụ mùa kinh doanh cuối năm, dù có thể kỳ vọng mức mất giá giảm dần. Ngân hàng Nhà nước dự báo sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ OMO, phát hành tín phiếu một cách linh hoạt, nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá cân đối với hỗ trợ tăng trưởng.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong nửa cuối năm 2024. Theo đó, biến động của tỷ giá USD/VND theo chỉ số USD Index (DXY) ngày càng tăng, đặc biệt là trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay.

Tuy nhiên, từ đầu quý III đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống, song các chuyên gia của VDSC cũng chỉ ra một số tác nhân trong nước gây áp lực về cung – cầu ngoại tệ. Các tác nhân có thể kể đến gồm: Nhu cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV do nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; quy mô của khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể vốn hay đi cùng với áp lực tỷ giá cũng thường tăng mạnh vào quý III.

Do vậy, dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, các chuyên gia của VDSC cho rằng, con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ còn một nhịp “gập ghềnh” phía trước.

Tỷ giá USD/VND có thể lên 25.500 đồng ở kịch bản cơ sở

Theo dự báo của VDSC, kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 VND/USD và giảm trở lại còn 25.300 VND/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 VND/USD vào cuối năm.