Thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định hơn
Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ của SSI Research cho biết, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, thanh khoản hệ thống có phần nào ổn định hơn và Ngân hàng Nhà nước rút ròng thông qua kênh thị trường mở. Cụ thể, chỉ có 558 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn được sử dụng, ở kỳ hạn 7 ngày và lãi suất trúng thầu là 4,25%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phát hành 6,7 nghìn tỷ tín phiếu kỳ hạn 28 ngày trên tổng số 1,6 nghìn tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 4,5 nghìn tỷ đồng ra thị trường. Khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành tăng nhẹ lên 56,45 nghìn tỷ đồng và khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn ở mức 117,8 nghìn tỷ đồng.
|
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm có diễn biến tương tự và chốt phiên giao dịch ngày 3/5 ở 4,36%, giảm 24 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Theo SSI Research, áp lực về thanh khoản sẽ quay trở lại trong tuần này khi sẽ có một lượng lớn đáo hạn trên kênh mua kỳ hạn, khoảng 117,8 nghìn tỷ đồng.
Tỷ giá biến động trái ngược với thế giới
Báo cáo về thị trường ngoại hối quốc tế, các chuyên gia của SSI Research cho biết, trong tuần trước, một số dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố với kết quả không quá tích cực. Cụ thể, trên thị trường lao động, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 4 chỉ có 175 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới được tạo ra, thấp hơn mức 315 nghìn của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 238 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ lên 3,9%, từ mức 3,8% trong tháng 3.
Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ do Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) khảo sát chỉ đạt 49,4 điểm trong tháng 4, giảm từ mức 51,4% của tháng trước đó và trái với kỳ vọng tăng lên mức 52,0%. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ ghi nhận tình trạng thu hẹp kể từ sau tháng 12/2022. Nhờ vậy, thị trường đã nâng xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 2 lần trong năm nay lên mức 36%, từ 29% vào 1 tuần kế trước.
Đồng USD, thông qua chỉ số DXY giảm 0,9% trong tuần qua và thu hẹp mức tăng chỉ còn 3,6% so với cuối năm 2023. Các đồng tiền chủ chốt đều ghi nhấn tăng giá so với USD, đặc biệt là đồng Yên Nhật (JPY +3,3%) nhờ động thái can thiệp từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Các đồng tiền trong khu vực châu Á không đứng ngoài xu hướng tăng giá như: KRW (+0,88%), TWD (+0,68%) hay THB (+0,78%)…
|
Trên thị trường trong nước, trái ngược với diễn biến thế giới, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng tăng nhẹ 0,3%, lên vùng 25.415 VND sau khi hạ nhiệt trong tuần trước đó, nhờ biện phát can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, tỷ giá niêm yết của VCB và chợ đen dao động trong vùng đỉnh lịch sử đã thiết lập trước đó, khi đóng cửa lần lượt ở 25.450 VND/USD và 25.785 VND/USD.
Bên cạnh đó, giá vàng SJC và vàng nhẫn trong nước cũng có biến động trái chiều với xu hướng thế giới. Cụ thể, trong khi giá vàng thế giới giảm hơn 3% từ mức đỉnh, thì giá vàng trong nước đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử, với lần lượt là 86 triệu đồng/lượng cho vàng SJC và 75 triệu đồng/lượng cho giá vàng nhẫn./.