Tỷ giá chưa hẳn “thoát khó” do kỳ vọng động thái từ FED

Thứ tư, ngày 21 tháng 8 năm 2024 | 14:32

Những ngày qua, tỷ giá VND/USD đã hạ nhiệt đáng kể, một phần do đồng Đô la Mỹ giảm giá mạnh trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ nhanh lãi suất lại đang suy yếu hơn có thể khiến đồng USD tăng giá trở lại và tiếp tục tạo áp lực tỷ giá thời gian tới.

Tỷ giá chưa hẳn “thoát khó” do kỳ vọng động thái từ FED
Áp lực tỷ giá đã được giải tỏa đáng kể trong quý III/2024. Ảnh tư liệu.

Tỷ giá vào chu kỳ “dễ thở”

Diễn biến tỷ giá cho thấy bầu không khí đang rất “dễ thở” đối với thị trường ngoại hối trong giai đoạn khoảng từ đầu tháng 8/2024 đến nay. Hiện tại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã giảm về mức sát mốc 25.000 VND/USD, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng tỷ giá thời điểm giữa năm với bán ra tại ngân hàng này có lúc đã sát mốc 25.500 VND/USD. Điều này cho thấy, áp lực tỷ giá đã được giải tỏa đáng kể trong quý III/2024, sau một giai đoạn tăng khá nóng 2 quý đầu năm 2024.

Trước đó trong nửa đầu năm 2024, tỷ giá là một trong những tâm điểm của thị trường tài chính với áp lực tăng giá khác mạnh. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tháng 7/2024 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tính đến tháng 7/2024, mức mất giá của VND so với USD là khoảng 4,4%. Tại thời điểm đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, nhu cầu nhập khẩu 6 tháng đầu năm và các nhu cầu ngoại tệ khác cũng lớn, nên trong những thời điểm cần thiết thì NHNN cũng bán ngoại tệ để đảm bảo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu và ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, việc bán ngoại tệ can thiệp thị trường của NHNN cũng chỉ là một trong những giải pháp tạm thời và khó có thể kéo dài nếu như tỷ giá vẫn tiếp tục có những diễn biến phực tạp, bởi việc này khiến dự trữ ngoại hối bị suy giảm. Theo đó, diễn biến tỷ giá trong những ngày gần đây không những không tăng mà còn giảm, đã giúp cho áp lực điều hành chính sách tiền tệ cũng trở nên dễ thở hơn.

Theo dõi diễn biến của nền kinh tế trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù áp lực nhập khẩu lớn, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được trạng thái xuất khẩu tốt. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại thị trường quốc tế, USD giảm mạnh cũng là một trong những yếu tố giúp cho tỷ giá đi vào xu hướng giảm. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD hiện đã giảm về chỉ còn khoảng 102 điểm, thấp hơn khá nhiều so với thời đỉnh cao có lúc trên 106 điểm của đồng tiền này hồi tháng 6/2024.

Vẫn còn nhiều ẩn số

Những tác động của đồng USD giảm giá trên thị trường quốc tế thời gian qua đến từ việc kỳ vọng FED giảm lãi suất sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến hồi đầu năm, do các số liệu kinh tế Mỹ đang có phần chậm lại cùng với lạm phát hạ nhiệt.

Trong bối cảnh đó, dòng vốn trên thị trường tài chính quốc tế có xu hướng quay trở lại trái phiếu khi suy thoái kinh tế thay thế lạm phát là nỗi sợ hãi chính của thị trường và các tài sản có thu nhập cố định, chứng tỏ giá trị của nó như một hàng rào chống lại sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán trong một số thời điểm hồi giữa tháng 8. Trong nửa đầu tháng 8, các nhà đầu tư đã rót 8,9 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ Mỹ, đánh dấu con số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 1 và lớn thứ hai kể từ giữa năm 2021.

Trong diễn biến dòng chảy tài chính có thiên hướng phòng thủ như trên, nhiều dự báo thời điểm đó cho thấy FED có thể sẽ thực hiện các đợt lãi suất mạnh mẽ kể từ cuộc họp tháng 9. Có thời điểm, công cụ FEDWatch dự báo khả năng hạ 0,5% lãi suất, thậm chí đã lấn át so với khả năng chỉ hạ 0,25%. Đây cũng chính là một trong lý do khiến cho đồng USD đi vào xu hướng giảm giá mạnh thời gian qua.

Tuy nhiên, diễn biến hiện tại đã có nhiều thay đổi, dòng tiền đang trở lại cổ phiếu, thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật và nhiều thị trường lớn khác đều đang phục hồi. Các số liệu kinh tế Mỹ cũng không quá xấu như thị trường lo ngại thời điểm giữa tháng 8 và điều này khiến cho các dự báo đã có phần thay đổi. Cụ thể, các dự báo gần đây ngày càng cho thấy có thể FED cũng không cần thiết phải hạ lãi suất quá nhanh. Công cụ FEDWatch tại thời điểm sáng ngày 20/8 ghi nhận xác suất gần 77% khả năng FED sẽ hạ 0,25% lãi suất trong cuộc họp tháng 9, trong khi kịch bản với việc giảm 0,5% chỉ là 23%.

Với động thái này, đồng USD có thể sẽ dừng đà giảm điểm và thậm chí cũng sẽ phục hồi tăng trở lại, theo đó có thể lại gây áp lực tỷ giá trong mối quan hệ với VND. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng điều này tuy ảnh hưởng, nhưng mức độ cũng không nhiều. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, các động thái từ FED thực chất chủ yếu tác động tâm lý đến thị trường trong nước nhiều hơn là những tác động trực tiếp. Ngoài ra, chính sách tiền từ FED nếu có tác động tới thị trường trong nước cũng thường có độ trễ từ 3 - 6 tháng, chứ không phải tác động ngay và như vậy không tác động quá nhiều với thị trường tiền tệ Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông Huân cũng cảnh báo một số yếu tố có thể vẫn khiến tỷ giá “gợn sóng” trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, bởi khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng, đồng thời nhu cầu nhập nguyên vật liệu cũng có thể tăng chuẩn bị cho mùa vụ kinh doanh cận tết và chu kỳ kinh doanh năm 2025.

Xuất siêu vẫn là yếu tố thuận

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tháng 7/2024 xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).