Tỷ giá còn “rất nóng”, sau tín phiếu, công cụ nào sẽ được “kích hoạt”

Chủ nhật, ngày 21 tháng 4 năm 2024 | 12:19

Tỷ giá VND/USD liên tục xô đổ các kỷ lục mới và dự báo còn “rất nóng”. Nhìn lại 2 năm 2022 và 2023, có 3 bước để kiểm soát tỷ giá. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bước 1 là hút thanh khoản bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác. Tuy nhiên, tỷ giá sau 5 tuần chưa có dấu hiệu dịu bớt, vậy đâu sẽ là các công cụ tiếp theo sẽ được “kích hoạt”?

Xung quanh vấn đề tỷ giá đang rất được quan tâm hiện nay, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh.

PV: Thưa ông, tỷ giá VND/USD đang “rất nóng”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến tỷ giá từ đầu năm tới nay, đặc biệt là từ trung tuần tháng 3 trở lại đây? Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tỷ giá tăng mạnh như vậy?

Tỷ giá còn “rất nóng”, sau tín phiếu, công cụ nào sẽ được “kích hoạt”?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Tôi không rõ cơ sở của những dự báo cho rằng tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Về cá nhân tôi, tỷ giá hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Chúng ta cần tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện từng thời điểm để quyết định các biện pháp để kiểm soát tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Khác với 2 năm 2022 và 2023, tỷ giá năm nay đã nóng ngay từ đầu năm. Tính từ đầu năm tỷ giá đã tăng 4,37%, cao hơn cả mức mất giá của cả năm 2022 là 3,4%. Nếu tính từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm hỗ trợ tỷ giá (ngày 11/3/2024), tỷ giá đã tăng 2,57%.

Như mọi loại hàng hóa, cung cầu là nhân tố quyết định đến tỷ giá, điều chúng ta cần tìm hiểu là nhân tố nào đang tác động đến cung cầu này.

Tỷ giá trước năm 2022 rất ổn định, thậm chí đồng VND lên giá. Sang năm 2022, tỷ giá bắt đầu mất giá nhanh. Năm 2022 xảy ra những bất ổn ở châu Âu, kéo theo giá hàng hóa tăng mạnh. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như hầu hết các ngân hàng trung ương thế giới phải tăng lãi suất để đối phó lạm phát. Lãi suất của Mỹ đã được tăng liên tục từ mức 0,5% lên tới 5,5% khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Chỉ số Dollar-Index nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng 10,4%.

Tỷ giá còn “rất nóng”, sau tín phiếu, công cụ nào sẽ được “kích hoạt”?

Ngoài yếu tố đồng USD lên giá trên toàn cầu thì tại mỗi quốc gia cũng có những nhân tố riêng tác động thêm vào tỷ giá. Với Việt Nam, lãi suất điều hành giảm để thúc đẩy kinh tế là khá khác biệt với phần còn lại của khu vực và thế giới. Về lý thuyết, lãi suất là nhân tố quyết định hàng đầu đến giá trị đồng tiền. Kể từ năm 2022, lãi suất đồng VND đã không còn cao hơn USD, đặc biệt kể từ cuối 2023 đến nay khoảng cách chênh lệch này đã được nới rộng khi lãi suất ở Việt Nam đã xuống mức “thấp nhất 20 năm”.

PV: Tỷ giá VND/USD liên tục xô đổ các kỷ lục mới, trong khi đồng USD vẫn thấp hơn so với đỉnh năm ngoái, hay nói cách VND đang yếu đi chứ không phải do USD tăng lên. Ông lý giải thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Chỉ số Dollar-Index sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm 2022 đã giảm rồi đi ngang cho đến nay. Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay thì chỉ số Dollar-Index chỉ tăng 2,3% trong khi đồng VND mất giá 7,4%. Ngân hàng trung ương các nước đã nhanh chóng tăng lãi suất, khiến đồng tiền ở các nước đó được ổn định trở lại. Ngược với xu hướng này, Việt Nam giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, điều này khiến áp lực với đồng VND bị gia tăng.

Nhìn lại 2023, mặc dù chênh lệch lãi suất đã bắt đầu xuất hiện nhưng tỷ giá chưa quá căng. Đó là do Việt Nam đã tăng xuất siêu, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, xuất siêu của 2023 đến từ tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam giảm. Tín hiệu căng tỷ giá khi đó cũng đã có thể nhận thấy khi giá trị xuất siêu cao nhưng giá trị cán cân thanh toán tổng thể (BOP) lại giảm, thậm chí âm.

Sang 2024, khi các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, tỷ giá căng có lẽ là điều khó tránh khỏi.

Tỷ giá còn “rất nóng”, sau tín phiếu, công cụ nào sẽ được “kích hoạt”?

PV: NHNN đã có những động thái bước đầu, đặc biệt là việc hút/bơm tín phiếu, tuy nhiên, điều đó có vẻ như chưa đủ vì tỷ giá chưa hạ nhiệt. Ông có bình luận gì về các giải pháp giữ ổn định tỷ giá hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tín phiếu là công cụ được sử dụng đầu tiên trong cả 3 năm 2022, 2023 và 2024. Việc hút thanh khoản, tăng lãi suất đồng VND trên liên ngân hàng nhằm giảm khoảng cách giữa lãi suất USD và VND trên liên ngân hàng là biện pháp nhanh và đơn giản nhất.

Tính từ đầu năm tỷ giá đã tăng 4,37%, cao hơn cả mức mất giá của cả năm 2022 là 3,4%. Nếu tính từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm hỗ trợ tỷ giá (ngày 11/3/2024), tỷ giá đã tăng 2,57%.

Lần phát hành tín phiếu năm nay có phần “quyết liệt” hơn nếu nhìn vào kỳ hạn và lãi suất. NHNN đã dùng ngay kỳ hạn 28 ngày thay vì các kỳ hạn 7 và 14 ngày trong các năm trước. Lãi suất tín phiếu cũng tăng nhanh, từ mức ban đầu là 1,4% lên đến hiện tại là 3,5%.

Tuy nhiên về khối lượng phát hành thì không nhiều như 2023. Giá trị hút ròng ở thời điểm cao nhất là 171 nghìn tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều năm 2023 là 254 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân giá trị tín phiếu thấp có thể do lãi suất liên ngân hàng đã phản ứng nhạy hơn.

Thực tế lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh từ dưới 1% lên xấp xỉ 4% sau 5 tuần phát hành tín phiếu, còn năm 2023 chỉ lên 2,7% rồi giảm lại.

Tôi cho rằng, đây là các bước đi ban đầu để thăm dò thị trường. Cung cầu ngoại tệ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, ngoài xuất nhập siêu còn có cả tình trạng găm giữ, đầu cơ hay dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài mà những yếu tố này tín phiếu khó có thể xử lý hết. Có rất nhiều công cụ để kiểm soát tỷ giá khác mà tôi nghĩ rằng NHNN sẽ sử dụng đến sau các động tác thăm dò thị trường vừa qua.

Tỷ giá còn “rất nóng”, sau tín phiếu, công cụ nào sẽ được “kích hoạt”?

PV: Tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí được dự báo còn có thể tăng tiếp. Ngoài công cụ tín phiếu, theo ông, đâu là các công cụ có thể cần phải “kích hoạt” để giúp tỷ giá hạ nhiệt, ổn định mà ít ảnh hưởng nhất tới tăng trưởng kinh tế vĩ mô?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Nhìn lại 2 năm 2022 và 2023, có 3 bước để kiểm soát tỷ giá. Bước 1 là hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác. Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối. Bước 3 là tăng lãi suất điều hành. Năm 2023 chúng ta chưa phải tăng lãi suất điều hành vì như tôi đã nói tới ở trên, nhờ nguồn cung từ thặng dư thương mại tốt.

Hiện nay, NHNN đã thực hiện bước 1, nhưng tỷ giá sau hơn 5 tuần chưa có dấu hiệu dịu bớt. Bước tiếp theo rất có thể sẽ là bán dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Nếu bước này cũng không đủ thì tôi nghĩ sẽ phải tính tới bước 3.

Xét trong điều kiện kinh tế Việt Nam, tăng trưởng đến từ nhiều yếu tố. Yếu tố hàng đầu là xuất khẩu của khối FDI (mà khối này gần như miễn nhiễm với xu hướng lãi suất VND), tiếp theo là giải ngân đầu tư công (hiện đang có tiến độ tốt) và xúc tiến thương mại (ví dụ du lịch quốc tế khả quan nhờ chính sách visa mới).

Tăng trưởng kinh tế quan trọng và cũng cần cân đối với ổn định vĩ mô. Lãi suất thấp cũng có những mặt trái, đó là tỷ giá, lạm phát và bong bóng tài sản. Giải pháp cần có hiện nay là để hài hòa tổng thể các yếu tố đó bởi ổn định cũng là 1 phần của tăng trưởng.

Giai đoạn 2017 - 2019, chúng ta đã khá thành công trong việc ổn định vĩ mô cùng với mức tăng trưởng GDP cao, đạt 6,8 - 7%. Dự trữ ngoại hối gia tăng nhanh trong giai đoạn này giúp chúng ta có bộ đệm để hỗ trợ tỷ giá trong 3 năm qua.

Tỷ giá còn “rất nóng”, sau tín phiếu, công cụ nào sẽ được “kích hoạt”?

PV: Có một số ý kiến cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Quan điểm của ông thế nào? Đâu là các yếu tố có thể hỗ trợ cho tỷ giá trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tôi không rõ cơ sở để của những dự báo đó. Về cá nhân tôi, tỷ giá hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Chúng ta cần tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện từng thời điểm để quyết định các biện pháp để kiểm soát tỷ giá.

Một điểm tôi xin được nhắc tới đó là tâm lý, thói quen của người Việt Nam. Vàng, bất động sản hay ngoại hối đều có thể là những tài sản đầu cơ hoặc găm giữ vì lo ngại đồng tiền VND mất giá. Tâm lý này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ổn định kinh tế. Chúng ta cần có những giải pháp nhất quán và lâu dài để thay đổi được thói quen này, giúp chuyển hướng dòng tiền vào phát triển kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!