Tỷ giá sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2024?
Tỷ giá VND/USD liên tục biến động theo chiều hướng tăng trong tháng 6-2024 chủ yếu do USD trên thị trường thế giới “neo” ở mức cao, không phải do tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư trong nước.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư không nên “đổ” tiền vào USD, vì dự báo đồng USD sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2024.
Giao dịch USD tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Quang Thái
Hút ròng khoảng 112 nghìn tỷ đồng
Trên thị trường trong nước, ngày 28-6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm VND/USD tăng 6 đồng, ở mức 24.264 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên so với ngày 27-6 là 23.400 VND/USD (mua vào) - 25.450 VND/USD (bán ra). Còn tại các ngân hàng thương mại, USD được giao dịch phổ biến ở 25.227 VND/USD (mua vào) - 25.447 VND/USD (bán ra). Trước đó, tỷ giá có nhiều thời điểm tăng mạnh.
Phiên giao dịch cuối của tháng 6-2024, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng không thay đổi nhiều so với cuối tháng 5-2024 nhưng tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã lên mức kỷ lục là 25.920 đồng/USD, tăng 65 đồng so với cuối tháng trước và tăng 4,6% so với đầu năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do USD trên thị trường thế giới “neo” ở mức cao, không phải do tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư trong nước hay thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ.
Đại diện một ngân hàng thương mại có trụ sở ở Hà Nội cho biết, tỷ giá liên tiếp tăng kể từ đầu năm 2024 đến nay gây áp lực lớn đến các hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước điều chỉnh từ tháng 3-2024, trong đó, nghiệp vụ phát hành tín phiếu rút một lượng tiền khỏi thanh khoản hệ thống, nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Trên thực tế, trong tháng 6-2024, tháng thứ hai liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút ròng trên thị trường mở. Tính đến ngày 24-6, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 112 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi quy mô trong tháng 5-2024 (61,5 nghìn tỷ đồng). Hoạt động này chủ yếu thực hiện qua kênh phát hành tín phiếu, đồng thời, một lượng lớn lượng tiền bơm qua kênh cầm cố của tháng trước đáo hạn. Lãi suất duy trì ổn định ở mức 4,25%/năm đối với kênh tín phiếu và 4,5%/năm đối với kênh cầm cố. Đối với thị trường mở, nhà điều hành cũng rút ngắn thời gian của tín phiếu từ 28 ngày xuống còn 14 ngày trong các phiên gần đây. Mục đích có thể là để tránh cho thanh khoản hệ thống bị thiếu hụt trong giai đoạn cuối quý II và đầu quý III-2024.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, áp lực đối với tỷ giá giảm bớt trong tháng 6 và Ngân hàng Nhà nước cũng đã cung ra ít ngoại tệ hơn so với tháng 5, ước tính chỉ khoảng 450 triệu USD so với khoảng 3,8 tỷ USD. Do đó, lượng tiền đồng hút về qua kênh bán ngoại tệ không đáng kể.
Không nên găm giữ, đầu tư ngoại tệ
Về dự báo tỷ giá từ nay đến cuối năm 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì mặt bằng lãi suất cao và bất ổn địa chính trị leo thang có thể giúp duy trì sức mạnh của USD, ít nhất là trong nửa cuối năm 2024. Mặc dù lo ngại về rủi ro vẫn hiện hữu trong nửa cuối năm 2024, song dự báo USD ổn định trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, là cơ sở để đồng ngoại tệ này không tiếp tục leo thang.
Nhiều tổ chức tài chính cũng nhận định, tỷ giá đang ở mức cao nên khả năng tăng trong những tháng tới không nhiều. Ngoài ra, yếu tố hỗ trợ tỷ giá là mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tương đối ổn định. Xu hướng gần đây của lãi suất liên ngân hàng là giảm nhẹ, vùng biến động của lãi suất cho vay qua đêm 3,3-4,5%/năm. Chênh lệch lãi suất VND-USD là âm 1,76 điểm phần trăm. Như vậy, hoạt động hút ròng của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở giúp neo lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, phần nào giúp kiểm soát hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và đà mất giá của tiền đồng.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nếu không quản lý hiệu quả tỷ giá sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu quản lý, điều hành, như điều tiết lượng tiền trong lưu thông; điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá và tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu. Điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay đã đẩy mạnh các công cụ điều hành để đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành theo hướng từng bước giảm dần, vì thế tỷ giá cũng được điều hành phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các doanh nghiệp không nên kỳ vọng, găm giữ, đầu tư ngoại tệ có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế. Đây là cách để các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cùng thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế.
- Tỷ giá hôm nay (16/11): Đồng USD thế giới quay đầu giảm, “chợ đen” vẫn không dừng tăng
- Tỷ giá hôm nay (14/11): Đồng USD thế giới lập đỉnh, “chợ đen” vẫn tiếp tục tăng
- Tỷ giá hôm nay (13/11): Đồng USD thế giới tiếp tục tăng, “chợ đen” tiếp đà thẳng tiến
- Tỷ giá hôm nay (12/11): Đồng USD thế giới quay đầu tăng, “chợ đen” tiếp đà leo dốc
- Tỷ giá hôm nay (11/11): Đồng USD “chợ đen” tăng nhẹ
- Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thanh khoản, giá vàng “lao dốc”
- Giá USD ngân hàng và USD tự do hôm nay quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (8/11): Đồng USD thế giới biến động sau quyết định của Fed, “chợ đen” quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (7/11): Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 tháng, “chợ đen” cùng chiều tăng mạnh