Tỷ giá tạm hạ nhiệt nhưng còn nhiều ẩn số phía trước
- Tỷ giá những ngày gần đây có phần hạ nhiệt nhờ thông tin hỗ trợ từ diễn biến xuất siêu trở lại trong tháng 6. Tuy nhiên, ẩn số vẫn còn phía trước với nhiều biến số phức tạp chi phối.
Tỷ giá trung tâm thời điểm cuối tháng 6/2024 ở mức khoảng 24.264 đồng/USD. Ảnh tư liệu |
Tỷ giá hạ nhiệt
Từ cuối tháng 6 đến nay, diễn biến tỷ giá cho thấy xu hướng dịu đi khá rõ. Tỷ giá trung tâm thời điểm cuối tháng 6/2024 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ở mức khoảng 24.264 đồng/USD. Nhưng đến ngày 9/7, tỷ giá trung tâm đã giảm về mức chỉ còn 24.242 đồng/USD, tương ứng với mức giảm khoảng 20 đồng/USD trong giai đoạn này.
Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hồi cuối tháng 6 ghi nhận ở mức khoảng 25.477 đồng/USD và đến sáng ngày 9/7, đã giảm về mức chỉ còn 25.454 đồng/USD, tương ứng mức giảm khoảng 23 đồng mỗi Đô la.
Diễn biến tỷ giá theo đó đã có phần giải tỏa sau giai đoạn nóng diễn ra trong nửa đầu năm 2024, đặc biệt cao điểm diễn ra vào khoảng tháng 4/2024. Cụ thể, tỷ giá đã có 2 nhịp tăng nóng trong giai đoạn này. Giai đoạn đầu diễn ra ngay đầu năm với chu kỳ tăng từ đầu năm cho đến cuối tháng 1/2024, nhưng giai đoạn này tỷ giá cũng chưa vượt đỉnh so với thời kỳ quý III/2023.
Tuy nhiên, sức nóng của tỷ giá trở thành tâm điểm của giới tài chính được ghi nhận vào giai đoạn tháng 4/2024, khi đó tỷ giá bước vào nhịp điều chỉnh tăng vọt và thiết lập các kỷ lục mới. Tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này tiến sát ngưỡng 25.500 đồng/USD. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp can thiệp để bình ổn tỷ giá, trong đó có thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở kéo dài liên tục trong vòng hơn 3 tháng qua. Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường tiền tệ cũng đã thực hiện giải pháp bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Tại thời điểm đó, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền Việt Nam dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Sau nhịp tăng nóng với đỉnh điểm diễn ra trong tháng 4, trong 2 tháng tiếp theo (tháng 5 và 6), diễn biến tỷ giá đã có phần bớt nóng, nhưng vẫn neo ở mặt bằng cao trước khi đi vào giai đoạn điều chỉnh giảm từ khoảng cuối tháng 6 đến nay.
Các yếu tố đan xen chi phối
Bối cảnh tỷ giá thời điểm hiện tại đang xuất hiện một số yếu tố thuận lợi, từ đó có thể làm dịu bớt tình hình tỷ giá. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là bức tranh xuất nhập khẩu đã lấy lại trạng thái xuất siêu trong tháng 6 sau khi nhập siêu trong tháng 5.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,24 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 xuất siêu 2,94 tỷ USD, diễn biến này đã đảo chiều so với bức tranh cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2024 nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).
Trong khi đó tại thị trường quốc tế, đồng Đô la Mỹ đã có xu hướng giảm thời gian gần đây cũng là yếu tố thuận lợi đối với diễn biến tỷ giá của đồng Việt Nam trong mối tương quan với đồng ngoại tệ này. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ từ thời kỳ cuối tháng 6 đến nay đã giảm từ mức trên 106 điểm xuống có lúc dưới ngưỡng 105 điểm.
Mặc dù một số yếu tố thuận lợi đã xuất hiện như trên, nhưng các yếu tố bất lợi vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn như nền kinh tế tuy xuất siêu về hàng hóa, nhưng vẫn nhập siêu về dịch vụ. Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 11,25 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 16,11 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 là 4,86 tỷ USD.
Trong khi đó, một trong những yếu tố nữa khiến giới kinh doanh lo ngại có thể ảnh hưởng tỷ giá là động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE từ đầu năm đến đầu tháng 7/2024 đã đạt mốc khoảng xấp xỉ 55.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần so với mức bán ròng cả năm 2023. Theo đó, các nhà đầu tư sau khi bán cổ phiếu nếu thực hiện đổi sang đồng Đô la để chuyển lợi nhuận về nước có thể sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng Đô la.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, áp lực tỷ giá nếu xuất hiện thì cao điểm thường sẽ chỉ kéo dài đến quý III và thường được giải tỏa vào cuối năm nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền kiều hối. TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong tình hình kinh tế có tính chu kỳ, cung cầu ngoại tệ cũng diễn biến theo tính chu kỳ đó. Nhìn vào bối cảnh chung đó, tỷ giá thường sẽ được hỗ trợ bởi lượng kiều hối có thể sẽ tăng trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán hàng năm.
Đồng USD biến động theo dữ liệu kinh tế của Mỹ Đồng USD đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng sau khi số liệu chỉ số giá hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tháng 5 cho thấy, lạm phát ở Mỹ tiếp tục dịu đi, tạo tiền đề để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khởi động việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian từ nay tới cuối năm. Thêm vào đó, thị trường tài chính quốc tế cũng đang kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất càng gia tăng sau báo cáo việc làm thấp.
|
- Tỷ giá hôm nay (16/11): Đồng USD thế giới quay đầu giảm, “chợ đen” vẫn không dừng tăng
- Tỷ giá hôm nay (14/11): Đồng USD thế giới lập đỉnh, “chợ đen” vẫn tiếp tục tăng
- Tỷ giá hôm nay (13/11): Đồng USD thế giới tiếp tục tăng, “chợ đen” tiếp đà thẳng tiến
- Tỷ giá hôm nay (12/11): Đồng USD thế giới quay đầu tăng, “chợ đen” tiếp đà leo dốc
- Tỷ giá hôm nay (11/11): Đồng USD “chợ đen” tăng nhẹ
- Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thanh khoản, giá vàng “lao dốc”
- Giá USD ngân hàng và USD tự do hôm nay quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (8/11): Đồng USD thế giới biến động sau quyết định của Fed, “chợ đen” quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (7/11): Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 tháng, “chợ đen” cùng chiều tăng mạnh