Tỷ giá “tăng nóng” chưa ảnh hưởng xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán
Nguồn: Bloomberg, MBS Research Biểu đồ: tư liệu

Tỷ giá "tăng nóng" tạo áp lực tâm lý cho chứng khoán

Báo cáo triển vọng vĩ mô tháng 4/2024 của MBS Research cho biết, tỷ giá trong nước vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt và liên tục đạt mức đỉnh mới. Tỷ giá liên ngân hàng hiện đang giao dịch quanh mức 25.000 VND/USD, tăng 2,9% kể từ đầu năm. Tỷ giá tại thị trường tự do vượt qua mức đỉnh của năm ngoái và đang giao dịch tại 25.400 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm duy trì ổn định quanh ngưỡng 24.038 VND/USD. Như vậy, tỷ giá tại hai thị trường lần lượt tăng 2,6% và 0,8% kể từ đầu năm.

Tỷ giá “tăng nóng” chưa ảnh hưởng xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán

Điều hành tỷ giá linh hoạt

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao cho điều hành của mình để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra đó là sự ổn định, đảm bảo hài hòa, cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Theo số liệu cập nhật của SSI Research trong tuần đầu tháng 4, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có một tuần giảm mạnh, khi giảm tới 0,7% trong một tuần, song vẫn tương đương với việc tăng 2,9% so với cuối năm 2023. Mức tỷ giá này không còn cách quá xa mức tỷ giá bán USD mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra (25.170 VND). Tỷ giá niêm yết của VCB và thị trường tự do đều đang dao động trong vùng đỉnh lịch sử và đóng cửa lần lượt ở 25.110 VND và 25.530 VND, tăng 2,8% và 3,1% so với cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia của MBS Research, tỷ giá vẫn liên tục xô đổ các kỷ lục dưới những áp lực trong nước như giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy chiều hướng giảm và trước đó, cuộc họp ngày 20/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD - VND tiếp tục bị kéo dài.

Trên thị trường chứng khoán, bên cạnh việc thị trường đang vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn, tỷ giá tăng “nóng” đang tạo áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), áp lực tỷ giá trong nước giai đoạn này là khá căng thẳng, đến từ cả hai phía trong nước và thế giới. Đặc biệt là những tác động trực tiếp từ dòng tiền hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và kiều hối… Trong khi đó, việc hút tiền từ phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tác động tới thanh khoản của cung cầu ngoại tệ, mà chỉ tác động gián tiếp lên chi phí vốn trong hoạt động “găm giữ” USD của nhóm các ngân hàng thương mại.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến - Chuyên viên chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, áp lực lên tỷ giá đang tương đối căng thẳng trong thời điểm hiện tại bởi một số nguyên nhân chính như: chỉ số DXY đã tăng liên tục từ đầu năm lên quanh ngưỡng 104 điểm, nhu cầu nhập khẩu tăng tăng mạnh trong những tháng đầu năm...

Áp lực chỉ tác động ngắn hạn

Tỷ giá “tăng nóng” chưa ảnh hưởng xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa.

Theo ông Nghiêm Sỹ Tiến, chỉ số VN-Index đã duy trì xu hướng tăng điểm liên tục trong vòng 2 quý vừa qua và các nhịp điều chỉnh đã xuất hiện rõ nét hơn khi chỉ số tiếp cận trở lại vùng cản trung hạn quanh 1.300 điểm. Chuyên gia của KBSV cho rằng, mặc dù thị trường chưa thoát khỏi trạng thái rủi ro và quán tính giảm điểm nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong những phiên tới, tuy nhiên xu hướng tăng kể từ vùng đáy 1.020 điểm tạm thời vẫn đang được bảo lưu, khi chỉ số chưa xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. “Theo tôi nguy cơ đảo chiều và kết thúc xu hướng có thể cần lưu ý hơn chỉ khi chỉ số phá vỡ vùng đỡ quanh 1.220 điểm (+/-10) và xa hơn tại 1.155 điểm (+/-20)” - ông Sỹ Tiến cho hay.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên cũng cho biết, nếu tính từ điểm cao nhất là quanh 1.294 điểm, thì chỉ mới điều chỉnh khoảng 3%, trong khi đó trong hơn 5 tháng qua chỉ số đã tăng được hơn 25% (tính từ đáy 1.020 điểm). Vì vậy, mức giảm như hiện tại là chưa quá mạnh. Đồng thời, về mặt kỹ thuật, những xu hướng tăng trung hạn kéo dài theo tháng thường sẽ nhận trung bình MA50 làm đường hỗ trợ chính cho xu hướng. Hiện tại đường này vẫn chưa bị vi phạm, do đó theo tôi, thị trường vẫn chưa xác nhận kết thúc xu hướng tăng trung hạn kéo dài hơn 5 tháng qua.

Đánh giá về tác động của tỷ giá tới thị trường chứng khoán, đại diện của Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, áp lực tỷ giá là vấn đề đáng ngại nhưng không phải là nguyên nhân có thể khiến thị trường biến động mạnh. Việc điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn thay đổi tùy theo một số ngân hàng không phải đại diện cho một xu hướng chung của toàn bộ hệ thống.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến cũng đánh giá, áp lực lên tỷ giá chỉ mang tính chất ngắn hạn bởi những biến số khó dự đoán liên quan đến dòng tiền vào - ra. Nhìn xa hơn về bối cảnh trung và dài hạn thì thị trường vẫn đang tương đối lạc quan về sự ổn định của tỷ giá trong năm nay nhờ xu hướng hạ nhiệt lạm phát của Mỹ, cũng như lượng ngoại tệ đổ về Việt Nam từ hoạt động xuất siêu, FDI giải ngân và kiều hối kỳ vọng tăng trưởng tích cực./.