Tỷ phú Gautam Adani mất hơn 80 tỷ USD từ đầu năm 2023
Tỷ phú Gautam Adani, người từng giữ vị trí tỷ phú giàu nhất châu Á và giàu thứ hai trên thế giới, đã có giai đoạn đầu năm 2023 khó khăn khi tập đoàn của ông dính vào một số cáo buộc gian lận, qua đó khiến giá trị khối tài sản ròng của ông "lao dốc không phanh".
Giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đang giảm mạnh trong năm nay sau khi công ty bán khống Hindenburg Research có trụ sở tại Mỹ cáo buộc doanh nghiệp của ông là Adani Group đã có những hành vi gian lận, theo Business Insider.
Giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Gautam Adani hiện chỉ còn khoảng 40 tỷ USD, theo số liệu được công bố trên Bloomberg Billionaires Index vào ngày 27/2. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị khối tài sản ròng của ông đã giảm hơn 80 tỷ USD kể từ đầu năm.
Tỷ phú Gautam Adani khởi đầu năm 2023 với khối tài sản ròng ước tính trị giá 121 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Qua đó, khối tài sản ròng của tỷ phú Ấn Độ này đã giảm khoảng 67%.
Tỷ phú Gautam Adani, người từng giữ vị trí giàu nhất châu Á. (Ảnh: BI).
Tạp chí Forbes trước đây từng báo cáo rằng tỷ phú Gautam Adani là người giàu thứ ba trên thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng là tỷ phú giàu nhất châu Á trước khi chứng kiến giá trị khối tài sản ròng “lao dốc không phanh”.
Vào cuối tháng 1, Hindenburg đã xuất bản một báo cáo, cáo buộc công ty của Adani tham gia vào "một kế hoạch gian lận kế toán và thao túng thị trường chứng khoán trong suốt nhiều thập kỷ”.
Tập đoàn Adani đã phủ nhận các cáo buộc trên, với giám đốc tài chính Jugeshinder Singh cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó rằng báo cáo chứa "thông tin sai lệch có chọn lọc và các cáo buộc cũ, vô căn cứ và làm mất uy tín của tập đoàn, đã được các tòa án cao nhất của Ấn Độ kiểm tra và bác bỏ."
Phía Tập đoàn Adani và cả tỷ phú Gautam Adani đều không có bình luận gì về vấn đề này khi được Business Insider liên hệ vào ngày 27/2.
Tuy nhiên, báo cáo của Hindenburg là một phần nguyên nhân đã dẫn đến việc giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Gautam Adani sụt giảm nhanh chóng. Từng có thời điểm giá trị khối tài sản ròng của ông giảm tới 5 tỷ USD chỉ trong một ngày sau khi báo cáo được công bố. Trong khoảng một tuần giao dịch sau đó, giá trị khối tài sản ròng của ông đã giảm 52 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Theo Bloomberg, có một số tỷ phú khác cũng đã mất số tiền lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn, bao gồm cả cựu giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử đã sụp đổ, Sam Bankman-Fried, người từng sở hữu khối tài sản ròng trị giá 26 tỷ USD và là một trong những tỷ phú tiền số giàu nhất thế giới.
Cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried hiện đã bị đóng cửa khỏi công ty của mình trong khi sàn giao dịch tiền số này đang phá sản. Bên cạnh đó, ông cũng đang bị giám sát tại nhà trong khi chờ xét xử.
CEO công ty xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX Elon Musk, người cũng là lãnh đạo của Twitter, cũng đã mất khoảng 200 tỷ USD giá trị tài sản ròng vào năm ngoái, qua đó trở thành người đầu tiên trong lịch sử ghi nhận mức giảm khổng lồ này, khi giá cổ phiếu công ty xe điện Tesla lao dốc, theo Bloomberg.
Dù vậy, kể từ đầu năm 2023, tỷ phú Elon Musk đã kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ tỷ phú nào khác trên thế giới. Mới đây, CEO Tesla cũng đã vượt qua ông trùm xa xỉ người Pháp Bernard Arnault để quay trở lại ví trí người giàu nhất hành tinh, theo Bloomberg Billionaires Index.
Sự thăng tiến nhanh chóng trong năm 2022
Tỷ phú Gautam Adani đã bắt đầu năm 2022 ở vị trí người giàu thứ 14 trên thế giới. Tuy nhiên, tới tháng 9/2022, ông đã sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 147 tỷ USD, chỉ kém duy nhất khối tài sản ròng trị giá 263,9 tỷ USD của CEO Tesla Elon Musk, theo Bloomberg Billionaires Index.
Tỷ phú Gautam Adani lần đầu tiên vượt qua tỷ phú đồng hương Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á vào tháng 2/2022, trở thành tỷ phú “100 tỷ USD” vào tháng 4/2022 và vượt qua những cái tên nổi tiếng khác như Bill Gates và Bernard Arnault của Pháp trong vài tháng tiếp theo.
Đây là lần đầu tiên mà châu Á có một tỷ phú đứng ở vị trí cao như vậy trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu, vốn trước đây từng bị thống trị bởi các doanh nhân công nghệ của Mỹ.
Sự nổi lên của Gautam Adani trong năm 2022 diễn ra cùng thời điểm với đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ, thứ đã lấy đi hơn 45 tỷ USD từ khối tài sản ròng của Bezos kể từ tháng Giêng.
Giá trị tài sản ròng của người sáng lập Amazon, người từng giữ vị trí tỷ phú giàu nhất thế giới trong nhiều năm, cũng giảm đáng kể sau khi ly hôn năm 2019 với vợ cũ MacKenzie Scott, người nhận 4% cổ phần của gã khổng lồ thương mại điện tử.
Một phần giúp Gautam Adani thăng tiến một cách nhanh chóng trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu có thể đến từ việc các tỷ phú khác, chẳng hạn như Bill Gates đã cho đi phần lớn khối tài sản ròng của mình cho mục đích từ thiện. Jeff Bezos cũng đã cam kết quyên góp 10 tỷ USD để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu.
Bill Gates và Warren Buffett, một số nhà từ thiện hàng đầu, đã bắt đầu sáng kiến Giving Pledge vào năm 2010 để giúp giảm bớt khoảng cách bất bình đẳng ngày càng tăng. Người đồng sáng lập Microsoft Corp. cho biết ông đã chuyển 20 tỷ USD cho Quỹ Bill & Melinda Gates. Quỹ này trước cũng đã nhận được hơn 35 tỷ USD từ tỷ phú Buffett.
Nguồn: https://doanhnhanvn.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất