Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gom tiền, dồn sức cho cuộc chơi mới

Thứ tư, ngày 11 tháng 5 năm 2022 | 9:34

Các doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đẩy mạnh việc duy trì dòng tiền cũng như huy động thêm vốn trên thị trường chứng khoán, tài chính cho một cuộc chơi mới dài hơi.

CTCP Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 và thông qua kế hoạch doanh thu 8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng. Vincom Retail (VRE) hiện quản lý và vận hành 80 trung tâm thương mại trên cả nước với tổng diện tích 1,7 triệu m² mặt bằng bán lẻ. Trong đó, Vincom Mega Mall Smart City khai trương ngày 28/4 vừa qua là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với quy mô 68 nghìn m². VRE có kế hoạch mở rộng vận hành 3 triệu m² mặt sàn bán lẻ. 

Trước đó, Vingroup (VIC) công bố thông tin về việc phát hành đợt 1 của trái phiếu ra thị trường quốc tế trong 2022, với tổng trị giá 525 triệu USD kỳ hạn 5 năm, dự kiến được thực hiện trong tháng 5. Đây là lô trái phiếu này nằm trong kế hoạch phát hành tối đa 1,5 tỷ USD trái nhiều của tập đoàn. Trái chủ có quyền chọn nhận cổ phiếu của VinFast do Vingroup sở hữu.

Khoản tiền huy động được từ phát hành trái phiếu quốc tế sau khi chi trả các khoản phí, chi phí cho việc phát hành trái phiếu sẽ được Vingroup đầu tư vào phát triển VinFast để phát triển tổ hợp sản xuất ô tô của công ty này.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 6,3 tỷ USD tính tới 10/5/2022.

Trong 4 tháng đầu năm, VinFast duy trì được lượng xe bán ra khá tốt so với cùng kỳ năm trước. Hãng xe này tiếp tục bán các xe xăng và đẩy mạnh giao hàng xe điện VF e34 bởi lượng đặt hàng cho mẫu xe này lên đến nhiều nghìn chiếc.

Hồi cuối tháng 4, doanh nghiệp phát triển mảng bất động sản của Vingroup là Vinhomes khai trương tổ hợp biển hồ tại Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire. Đây là một phần trong dự án đại đô thị Vinhomes Dream City 460ha tại Hưng Yên, được đưa ra bán, hứa hẹn mang về dòng tiền lớn.

Cũng trong năm nay, Vinhomes dự kiến ra mắt 2 dự án đô thị lớn khác gồm Vinhomes Wonder Park (133 hécta, Đan Phượng, Hà Nội) và Vinhomes Cổ Loa (385 hécta, Đông Anh, Hà Nội).

Trong tờ trình đại hội cổ đông 2022, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra kế hoạch kinh doanh ấn tượng sau một năm khó khăn thua lỗ.  Theo đó, VIC đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức cao kỷ lục: 140 nghìn tỷ đồng (6,3 tỷ USD), tăng 11,4% so với 2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế được đặt ra ở mức 6 nghìn tỷ đồng, so với mức lỗ gần 7,56 nghìn tỷ đồng trong năm trước.

Nòng cốt của tập đoàn vẫn là mảng bất động sản với Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và đặc biệt là startup VinFast xe điện.

Vingroup cho biết, trong năm 2022, VinFast giới thiệu các mẫu xe ô tô điện thông minh ra thị trường toàn cầu, chính thức nhận đặt hàng đối với ba mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9.

Theo Forbes, tính đến ngày 10/5/2022, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản 6,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam, tài sản của ông Vượng đạt 7,2 tỷ USD, giảm 2,5 tỷ USD trong vòng hơn 5 tháng qua do giá cổ phiếu giảm.

Nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ với định giá 60 tỷ USD như kỳ vọng, ông Vượng sẽ có thêm khoảng 26 tỷ USD. Và khi đó, tổng tài sản của ông Vượng sẽ là 32 tỷ USD, lọt top 40 người giàu nhất trên hành tinh theo danh sách của Forbes.

Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, cũng có thêm khoảng 600 triệu USD, nâng tổng tài sản lên khoảng 1,2 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam và Đông Nam Á, chỉ xếp sau nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet, với 3,2 tỷ USD).

Thận trọng, chờ tín hiệu thanh khoản

Theo MBS, việc thanh khoản thấp hơn cũng là tín hiệu tích cực, phản ánh lực bán giảm và thị trường tăng do lực cầu phải nâng giá mới khớp lệnh. Không có yếu tố cơ bản nào có thể thay đổi diễn biến thị trường từ hàng chỗ có hàng trăm cổ phiếu giảm sàn ở phiên 9/5 thành phiên phục hồi mạnh mẽ và trên diện rộng như hôm 10/5, chỉ có thể là do tâm lý nhà đầu tư đã có sự thay đổi. Một phiên tăng cũng chưa làm thay dổi xu hướng của thị trường hiện tại, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi thêm về thanh khoản thị trường.

Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục và VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng khoảng trống giảm giá 1.315 – 1.328 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, nếu thị trường duy trì đà hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và VN-Index vượt được vùng kháng cự 1.315 – 1.328 điểm thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần, nhưng chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bắt đáy ở giai đoạn hiện tại.

Chốt phiên giao dịch chiều 10/5, chỉ số VN-Index tăng 23,94 điểm lên 1.293,56 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 6,63 điểm lên 330,02 điểm. Upcom-Index tăng 2,56 điểm lên 99,06 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 19,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 17,8 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

 

 

Nguồn https://vietnamnet.vn/chung-khoan-11-5-ty-phu-pham-nhat-vuong-gom-tien-don-suc-cho-cuoc-choi-moi-2018088.html