Dù đã giảm so với đỉnh gần 108,3 điểm ghi nhận trong phiên 12/7, chỉ số USD-Index vẫn đang dao động quanh vùng cao nhất lịch sử với hơn 107,4 điểm.
Tính từ đầu năm 2022, chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng hơn 11,6%, thậm chí, nếu tính từ tháng 5/2021, trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu kế hoạch nâng lãi suất điều hành, chỉ số này đã tăng xấp xỉ 20%.
Đáng chú ý, USD-Index là chỉ số được thống kê dựa trên tỷ giá quy đổi của đồng USD với rổ 6 loại tiền tệ có thanh khoản cao nhất bao gồm euro, yen Nhật, bảng Anh, đôla Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ.
Với việc chỉ số này đã tăng hơn 11,6%, không đồng tiền nào trong rổ ngoại tệ kể trên tăng giá so với USD từ đầu năm.
Tiền USD đắt kỷ lục
Mới đây, đồng tiền chung châu Âu đã ghi nhận đà sụt giảm mạnh khiến tỷ giá quy đổi rơi xuống mức thấp nhất 20 năm, trong đó, 1 euro chỉ đổi được 1 USD vào phiên 12/7. Hiện tại, giá đồng euro đã nhích lên nhưng mỗi euro hiện chỉ đổi được khoảng 1,0085 USD.
Tính từ đầu năm, đồng euro đã mất giá gần 11% so với USD, từ mức 1 euro đổi 1,13 USD xuống vùng hiện tại.
Thực tế, xu hướng mất giá của đồng euro đã diễn ra liên tục từ tháng 5/2021 đến nay, nếu so với thời điểm này, đồng tiền chung châu Âu đã mất giá hơn 17%.
Bên cạnh lý do đồng USD mạnh lên khi FED liên tục tăng lãi suất, bản thân đồng euro cũng mất giá khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không có động thái tăng lãi suất tương ứng.
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao tại châu Âu càng xoáy sâu thêm vào rủi ro suy thoái của nền kinh tế khu vực này khiến ngân hàng trung ương không thể thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mới đây, ECB thông báo sẽ nâng lãi trong tháng này để kìm đà tăng của lạm phát, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng ngân hàng trung ương này đã đi quá chậm so với Mỹ và Anh.
Dù được đánh giá đi sớm hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng chỉ giúp đồng bảng Anh mất giá ít hơn so với USD trong nửa cuối năm 2021. Từ đầu năm 2022 đến nay, khi FED liên tục tăng mạnh lãi suất điều hành, bảng Anh đã liên tục rớt giá.
Hiện 1 bảng Anh chỉ còn đổi được 1,19 USD, giảm 11,5% từ đầu năm và thấp hơn 15% so với tháng 5/2021.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với đồng yen Nhật khi đã giảm liên tục gần 16% so với USD từ đầu năm, hiện 1 yen Nhật chỉ đổi được 0,0073 USD.
Khác với đồng euro và bảng Anh, đà mất giá của yen Nhật bắt đầu sớm, từ cuối năm 2020. Trong giai đoạn này, tỷ giá quy đổi giữa yen Nhật và USD đã giảm hơn 23%, đưa đồng yen về mức thấp nhất kể từ khi được thống kê quy đổi so với USD.
Tại thị trường trong nước, tiền Đồng cũng không nằm ngoài xu hướng mất giá so với USD từ đầu năm, tuy nhiên, mức giảm của Đồng Việt Nam mới chỉ đạt trên 2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á, đã mất giá 4-10%.
USD trong nước bắt đầu tăng mạnh
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng UOB cho rằng trước động thái tăng lãi suất vào cuối năm 2022 của FED và lo ngại suy thoái sâu hơn của nền kinh tế Trung Quốc, tiền Đồng sẽ mất giá mạnh hơn trong thời gian tới.
Nhà băng này dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ đạt mốc 23.400 đồng vào quý III năm nay và tăng lên 23.500 đồng vào quý IV. Đến năm 2023, UOB dự báo tỷ giá sẽ ở mức 23.550 đồng/USD trong quý I và tăng lên 23.600 đồng/USD quý II.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường đã ghi nhận tốc độ mất giá của tiền Đồng đang nhanh hơn nhiều so với dự báo của UOB và hầu hết tổ chức tài chính khác.
Thay vì phải đợi đến đầu năm 2023, tỷ giá USD/VNĐ tại một số ngân hàng lớn hiện nay đã đạt xấp xỉ mức 23.550 đồng, như Vietcombank, BIDV cùng ở mức 23.530 đồng/USD; Agribank ở mức 23.520 đồng; thậm chí VietinBank cuối ngày 13/7 đã nâng giá bán USD lên mức 23.613 đồng…
Trong báo cáo công bố gần đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá nhu cầu nắm giữ tiền USD trong hệ thống đã tăng lên khi chênh lệch lãi suất cho vay liên ngân hàng giữa tiền VNĐ và USD bị nới rộng.
Theo đó, khi trần tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chưa được nới, thanh khoản tiền Đồng có dấu hiệu dư thừa, đẩy lãi suất cho vay VNĐ trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp. Đây cũng là lý do NHNN đang liên tục sử dụng công cụ bán tín phiếu trên thị trường mở, bán USD từ dự trữ ngoại hối để giảm khối lượng tiền Đồng và tăng khối lượng tiền USD trên thị trường, từ đó trực tiếp can thiệp vào tỷ giá ngoại tệ.
Nhìn chung, tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng đã tăng 2,3% từ đầu năm, trong khi tỷ giá trên kênh ngân hàng tăng khoảng 2,5% và trên thị trường tự do là 3,2%, mức tăng mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, so với cuối năm 2019 (trước dịch Covid-19), tỷ giá ngoại tệ này mới tăng khoảng 0,8%, trong khi đồng bath Thái đã mất giá 20,8%; rupiah Indonesia mất 11%, thậm chí đôla Singapore cũng mất 3,9% giai đoạn này.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, đánh giá thị trường ngoại tệ trong nước vẫn đang hoạt động ổn định bất chấp biến động mạnh của thị trường quốc tế.
Trong đó, NHNN đang điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường để hạn chế biến động quá mức, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Ông Khoa cho rằng, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam, NHNN có thể tiếp tục bán thêm ngoại tệ để bình ổn thị trường.
Trong đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để bổ sung nguồn cung USD cho thị trường. Qua đó tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ, trong đó có nhu cầu để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.