Ukraina: Nguy cơ chiến tranh và cách thức tháo ngòi nổ
Chiến tranh tổng lực là một trò chơi đắt giá, có thể khiến người phát động "mất mạng". Một khi xung đột nổ ra thì tình hình rất khó kiểm soát và nguy cơ chiến tranh lan rộng là điều khó tránh.
Tính toán của các bên
Đối với Nga: Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng và trước đó khá lâu, Nga đã tỏ thái độ dứt khoát và vạch ra lằn ranh đỏ về an ninh trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Đó là NATO không mở rộng sang phía đông để kết nạp Ukraina và các quốc gia còn lại trong không gian hậu Xô Viết và không đặt các căn cứ quân sự hay vũ khí tấn công trên lãnh thổ các nước này nhắm vào Nga.
Lực lượng vũ trang Ukraina tham gia các bài tập huấn luyện chiến thuật đặc biệt ở vùng Kherson. Ảnh: Reuters |
Với Ukraina, đó là việc Nga yêu cầu Ukraina tôn trọng thỏa thuận Minsk, tiến tới cho phép 2 nước cộng hòa thuộc khu vực Donbass có quyền tự trị rộng lớn hơn và không làm thay đổi nguyên trạng Crimea.
Đối với Ukraina: Lãnh đạo và phần đông người dân hiểu rằng chỉ có gia nhập EU và NATO mới giúp được nước này mạnh lên về mặt kinh tế, quân sự, giúp đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ lâu dài. Tất nhiên đây là mục tiêu lâu dài và khó có thể đạt được trong ngày một, ngày hai.
Còn trong tình hình hiện nay, Tổng thống Zelensky và đội ngũ của ông cho rằng: Nga hiện không đủ sức để tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực tốn kém và chiếm đóng lâu dài Ukraina; Họ buộc phải bình tĩnh và đưa ra các lời trấn an đối với dân chúng.
Trong trường hợp họ làm ngược lại thì sự hoảng loạn của dân chúng tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ chạy, nền kinh tế Ukraina sẽ sớm suy sụp. Và lúc đó thì chẳng cần "đánh", Ukraina cũng sẽ "tự thua"; Sức ép từ bên ngoài đối với Ukraina từ nay trở đi sẽ là liên tục và lâu dài, và nước này buộc phải thích ứng với tình trạng đó.
Đối với Mỹ: Câu chuyện phức tạp hơn nhiều vì liên quan đến cả an ninh đối ngoại lẫn chính trị nội bộ. Về mặt chiến lược và ngoại giao, do mất lòng tin chiến lược với Nga, nên chính quyền Biden có thiên hướng nhìn sự có mặt hùng hậu của quân đội Nga xung quanh Ukraina là thách thức hiện hữu.
Mỹ cần thổi phồng nguy cơ an ninh từ phía Nga lúc này để tập hợp đồng minh nhằm hình thành một mặt trận chung, một tiếng nói thống nhất đối với Nga. Việc đẩy nguy cơ an ninh lên cao sẽ buộc các nước châu Âu thành viên của NATO "tự nguyện" nâng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP và do vậy làm giảm bớt gánh nặng chi tiêu quốc phòng của Mỹ.
Về mặt kinh tế, Mỹ hy vọng căng thẳng mới trong quan hệ Nga - châu Âu sẽ giúp châu Âu thi hành một chính sách năng lượng độc lập hơn với Nga, không thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc vận chuyển năng lượng từ Nga sang châu Âu qua Đức. Điều này cũng sẽ giúp Mỹ mở rộng thị phần, tăng xuất khẩu dầu lửa và khí đốt sang châu Âu.
Về mặt nội bộ, Tổng thống Biden đang gặp rất nhiều khó khăn, với mức lạm phát cao kỷ lục kể từ 40 năm qua là 7,5%, tỷ lệ ủng hộ giảm sút còn dưới 40% trong khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần với khả năng cao là đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và Thượng viện...
Trong bối cảnh đó, ông Biden cần hướng sự quan tâm của dân chúng từ các vấn đề đối nội sang đối ngoại. Trong trường hợp ông Putin "động binh" thì chính quyền Biden sẽ "ghi điểm" vì đã dự báo đúng và đưa ra các quyết định kịp thời! Trường hợp Nga chủ động giảm căng thẳng, chính quyền Biden cũng vẫn "ghi điểm" vì đã có các quyết sách "cứng rắn" để răn đe Nga và đã "buộc" Nga phải "xuống thang"!
Chiến tranh tổng lực là một trò chơi đắt giá
Các bên liên quan đều hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh tổng lực là một trò chơi đắt giá và có thể khiến người phát động cuộc chơi "mất mạng". Một khi xung đột đã nổ ra thì tình hình sẽ rất khó kiểm soát và nguy cơ chiến tranh lan rộng là điều rất khó tránh.
Mỹ và phương Tây không muốn đụng độ quân sự trực tiếp với Nga với lý do Ukraina không phải là thành viên của NATO. Ảnh: AP |
Mỹ và phương Tây tuy mạnh mồm như vậy nhưng lại không muốn đụng độ quân sự trực tiếp với Nga với lý do Ukraina không phải là thành viên của NATO. Chính quyền Biden đã tuyên bố sẽ không gửi quân tham chiến tại Ukraina mà chỉ trợ giúp vũ khí và gửi 8.000 quân sang châu Âu để giúp các đồng minh châu Âu đảm bảo an ninh. Các nước châu Âu khác trong NATO như Pháp, Anh và Đức cũng có tuyên bố tương tự.
Thậm chí, Đức còn tuyên bố không vận chuyển vũ khí hoặc cho các quốc gia khác vận chuyển vũ khí quá cảnh từ Đức sang Ukraina. Các nước châu Âu hiện nay tỏ ra lo ngại nhất do họ phải chịu ảnh hưởng an ninh trực tiếp từ các bất ổn tại Ukraina và không muốn "Mỹ đánh Nga bằng người châu Âu cuối cùng".
Ukraina rõ ràng không muốn chiến tranh và đối đầu quân sự trực tiếp với Nga vì họ thấy không đủ lực, lại không được Mỹ và NATO hỗ trợ bằng cách tham chiến trực tiếp. Một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga có thể kéo lùi phát triển kinh tế của Ukraina tới hàng chục năm.
Nga vào lúc này cũng không muốn phát động một cuộc chiến tổng lực mới và toàn diện chống Ukraina vì một cuộc chiến như vậy là hết sức tốn kém về người và của. Trước đây, sự can thiệp quân sự kéo dài 10 năm từ 1979-1989 của Liên Xô vào Afghanistan là một trong những nguyên nhân chính khiến Liên Xô sụp đổ.
Ukraina có tiềm lực kinh tế và quân sự đáng sợ hơn nhiều so với Afghanistan và nước Nga hiện nay chắc chắn không muốn đi theo vết xe đổ đó. Hơn nữa, cuộc cấm vận khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea 2014 đã khiến GDP của nước Nga giảm tới 27% chỉ trong vòng 8 năm và đẩy Nga từ vị trí số 8 xuống số 12 các nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Một đòn trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn nhiều nhằm vào Nga mà Mỹ và phương Tây cảnh báo trong trường hợp nổ ra xung đột với Ukraina sẽ tiếp tục đẩy nước Nga và nền kinh tế vào tình trạng khó khăn hơn trước gấp nhiều lần.
Như vậy, chiến tranh là điều không bên nào mong muốn xảy ra vào lúc này. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn có thể nổ ra nếu một trong các bên liên quan cảm thấy mình bị dồn "vào đường cùng" hoặc do các yếu tố bất ngờ, hiểu lầm dẫn đến các hành động mất kiểm soát. Còn khả năng xung đột tại Ukraina, nếu có, sẽ diễn ra dưới 3 hình thức sau:
Một là, Nga tấn công tổng lực Ukraina theo 4 hướng, cả trên bộ, trên biển và chiếm đóng nước này.
Hai là, Nga tiến hành hoạt động quân sự hạn chế, tức không để chiến tranh lan rộng thành chiến tranh tổng lực.
Ba là, trường hợp thỏa thuận Minsk không được tôn trọng, quân đội Ukraina tấn công Donbass và để đổi lại, Nga sẽ tấn công Ukraina hạn chế, hoặc hỗ trợ các nhóm du kích thân Nga ở hai nước cộng hòa ở Donbass chống lại các nỗ lực quân sự của Kiev và tách Donbass sáp nhập vào Nga.
Nỗ lực ngoại giao
Nếu như có xung đột thì khả năng 3 dễ xảy ra hơn cả. Tuy nhiên, ngay cả việc xảy ra khả năng này cũng khá thấp như đã phân tích ở trên do tính toán của các bên về lợi hại khi xảy ra chiến tranh. Chính vì vậy, các hoạt động ngoại giao marathon đang được thúc đẩy và các bên đang tính cách xuống thang, tháo ngòi nổ sau khi đạt được phần lớn các mục tiêu của mình.
Các cuộc gặp cấp cao riêng rẽ giữa Tổng thống Biden với một số nhà lãnh đạo NATO, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraina Zelensky trong những ngày cuối tuần vừa qua là những chỉ dấu cho thấy các nỗ lực ngoại giao vẫn được tiếp tục thúc đẩy vào phút chót để đẩy lui một cuộc xung đột mà ở đây không có kẻ thắng, chỉ có người thua.
Một thỏa thuận ngoại giao nếu có, dù là ngấm ngầm hoặc công khai, là điều lý tưởng nhất nhưng phải thỏa mãn hoàn toàn hoặc phần lớn lợi ích của các bên liên quan. Theo đó, Nga sẽ giảm bớt áp lực về quân sự xung quanh Ukraina và cam kết không tiến hành các hoạt động quân sự.
Đổi lại, Ukraina sẽ cam kết tôn trọng thỏa thuận Minsk, không tấn công các lực lượng thân Nga ở Donbass là Cộng hòa Lugansk và Cộng hòa Donetsk. Mỹ và NATO cũng đóng băng việc Ukraina trở thành thành viên của NATO trong giai đoạn ngắn và trung hạn, đồng thời không triển khai thêm các vũ khí tấn công ở những vùng lãnh thổ thuộc Đông Âu hoặc 3 nước cộng hòa Baltic nhằm vào Nga.
Tình hình căng thẳng xung quanh Ukraina chắc chưa thể tháo gỡ ngay được trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, việc các nước vẫn giữ cầu đối thoại giữa lúc tình hình căng như dây đàn giúp chúng ta thấy rõ hơn đặc điểm nổi bật của quan hệ giữa các nước lớn hiện nay. Đó là: Cạnh tranh chiến lược tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, nhưng đối thoại vẫn được duy trì, bên cạnh các nỗ lực kiềm chế tối đa để tránh xảy ra xung đột.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/caybut/ukraine-nguy-co-chien-tranh-va-cach-thuc-thao-ngoi-no-815804.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá