Ứng dụng công nghệ, tăng cường sự tham gia của công chúng trong truyền thông chính sách

Thứ năm, ngày 6 tháng 10 năm 2022 | 7:6

Ngày 5/10, tại phiên khai mạc khóa tập huấn “Nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ” ở Seoul, Hàn Quốc, PGS,TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, cần ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, sử dụng các phương tiện truyền thông tương tác, tăng cường sự tham gia của công chúng trong truyền thông chính sách.

PGS, TS Phạm Minh Sơn trình bày Báo cáo Quốc gia tại phiên khai mạc khóa tập huấn.
PGS, TS Phạm Minh Sơn trình bày Báo cáo Quốc gia tại phiên khai mạc khóa tập huấn.

Từ ngày 4 đến 15/10/2022, Đoàn công tác gồm các cán bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng đại diện một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng về truyền thông chính sách tại Hàn Quốc. Chương trình nằm trong khuôn khổ giai đoạn 2 Đề án “Nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ”, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Trình bày Báo cáo Quốc gia tại phiên khai mạc, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng đoàn công tác cho rằng, mục tiêu của truyền thông chính sách là làm cho người dân biết, hiểu và thực hiện chính sách; xây dựng đồng thuận xã hội như nguồn lực thực thi chính sách; giúp cho người dân có cơ hội phản hồi chính sách; giúp nhà xây dựng chính sách thực hiện điều chỉnh phù hợp; cơ quan báo chí khẳng định vị thế và định hướng dư luận. Khó khăn đối với truyền thông chính sách tại Việt Nam hiện nay là thiếu nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách; năng lực của đội ngũ hoạch định chính sách còn hạn chế… Đặc biệt, việc ứng dụng và triển khai công nghệ mới trong truyền thông chính sách còn chậm trong bối cảnh chuyển đổi số.

Theo PGS, TS Phạm Minh Sơn, để truyền thông chính sách hiệu quả, cần tăng cường sự tham gia của công chúng trong truyền thông chính sách; sử dụng các phương tiện truyền thông tương tác, khuyến khích phản hồi; cung cấp thông tin chính sách dễ hiểu, đầy đủ, chính xác và đa chiều.

Trong giai đoạn chuyển đổi số, ông Phạm Minh Sơn nhấn mạnh, cần từng bước ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của công chúng, hướng tới nâng cao năng lực tiếp cận, phân tích, đánh giá và phản hồi thông tin của công chúng…

Ứng dụng công nghệ, tăng cường sự tham gia của công chúng trong truyền thông chính sách ảnh 1

Phiên khai mạc khóa tập huấn.

Theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình là giúp các học viên xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn về truyền thông chính sách tại Việt Nam.

 

Trong 2 tuần tham gia chương trình, các học viên Việt Nam sẽ được nghe các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc giảng dạy và tham quan thực tế một số cơ quan truyền thông, công ty sáng tạo nội dung lớn của Hàn Quốc.

Đoàn nghe các bài thuyết trình về sự hình thành các kênh quan hệ công chúng trong khu vực công tại Hàn Quốc và quá trình phát triển của từng kênh; hình thành dư luận thông qua các phương tiện truyền thông xã hội; tin tức kỹ thuật số, nhà báo và báo chí trong thời đại kỹ thuật số; hiểu biết về báo chí dữ liệu và dữ liệu lớn chính phủ tại Hàn Quốc.

Ứng dụng công nghệ, tăng cường sự tham gia của công chúng trong truyền thông chính sách ảnh 2

Các học viên tham dự chương trình đào tạo tại Hàn Quốc.

 

Sau kết quả tích cực của giai đoạn 1, Dự án “Nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ” giai đoạn 2 (2022-2024) hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu truyền thông chính sách cho cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; chỉ đạo truyền thông chính sách cho lãnh đạo các cơ quan báo chí và cơ quan hoạch định chính sách và truyền thông chính sách cho cán bộ truyền thông ở địa phương.