Ứng dụng hợp đồng điện tử: Vì sao việc nhân rộng còn khó khăn?
Dù dần phổ biến và có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí mỗi năm, song việc ứng dụng hợp đồng điện tử vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
Để nhân rộng việc sử dụng loại hình hợp đồng này, trước hết, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật... để doanh nghiệp tin dùng.
Các đơn vị ký cam kết hợp tác thúc đẩy tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức, ngày 15-10-2024.
Tiết kiệm từ 50.000 đến 70.000 tỷ đồng/năm
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, nếu năm 2020 có 29% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử thì tỷ lệ này của năm 2023 là 41%. Từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng các giải pháp giao kết và xác thực điện tử nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Còn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết tháng 8-2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp.
Đánh giá về vai trò, tính ưu việt của hợp đồng điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho hay, việc ứng dụng hợp đồng điện tử đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện kinh tế số, giúp Chính phủ quản lý và phát triển hoạt động thương mại hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp tiết kiệm từ 50.000 đến 70.000 tỷ đồng/năm, bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ... Giao kết qua điện tử cũng giúp doanh nghiệp vận hành quy trình kinh doanh nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc chứng minh lịch sử giao thương với cơ quan quản lý, tổ chức ngân hàng, tài chính. Bên cạnh đó, hợp đồng điện tử còn được bảo vệ hiệu quả, bảo đảm giá trị như bản giấy trong giao dịch…
"Thực tế, với giao dịch xuyên biên giới, việc ký hợp đồng truyền thống phải mất ít nhất 2 đến 4 tuần để hoàn thành cùng khoản chi phí (từ 500 đến 2.000 USD) cho việc vận chuyển, công chứng… Còn với hợp đồng điện tử, thời gian ký kết giảm xuống vài giờ, tiết kiệm khoảng 60-80% chi phí trong khi tăng 40% hiệu quả quản lý" - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh nói.
Các chuyên gia nhận định, hợp đồng điện tử khi được ứng dụng hiệu quả sẽ tạo ra sự bùng nổ về giao dịch đa kênh; giúp người bán hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, người tiêu dùng gắn kết trong mạng lưới dữ liệu; đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường, nền kinh tế, tránh thất thu thuế, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp… Đặc biệt, nhờ đó, cơ quan quản lý phòng, chống hiệu quả nạn lừa đảo, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Dù việc triển khai hợp đồng điện tử mang lại nhiều lợi ích, song thực tế hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tính bảo mật chưa cao… khiến doanh nghiệp chưa tin dùng. Lý do là hợp đồng giao dịch thường bao gồm thông tin về cá nhân, tài chính hoặc thỏa thuận kinh doanh nên khi lộ, lọt, các bên giao kết hợp đồng có thể đối mặt với nhiều rủi ro như lừa đảo, gian lận, tổn thất tài chính... Đối với các hợp đồng điện tử xuyên biên giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu còn gặp thách thức do sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống xác thực giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cao, khác biệt về ngôn ngữ, thông lệ kinh doanh có thể cản trở việc áp dụng liền mạch các hợp đồng điện tử xuyên biên giới.
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính... tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định thực thi những vấn đề liên quan đến giao dịch hợp đồng trên môi trường điện tử, như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các nghị định hướng dẫn. Bộ Công Thương cũng đã xác nhận đăng ký cho 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Các tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử và hướng tới việc kết nối kỹ thuật hỗ trợ với bên thứ ba, như cơ quan thuế, ngân hàng, tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp.
Giám đốc Trung tâm Chữ ký số và hợp đồng điện tử (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) Đỗ Kế Công cho biết, một trong những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử là chi phí. Do đó, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói dịch vụ với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 đồng/lượt ký…
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) Trần Mạnh Cường cũng chia sẻ, đơn vị đã cung cấp giải pháp chữ ký số thao tác nhanh trên nhiều thiết bị, tiêu chuẩn bảo mật cao, ngăn ngừa giả mạo và rút ngắn thời gian giao dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba, cũng như tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế số.
Theo các chuyên gia, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển hợp đồng điện tử, đặc biệt là tính bảo mật, để các doanh nghiệp có thể tin dùng. Do đó, cần đầu tư công nghệ và kỹ thuật mới trong hợp đồng điện tử để loại hình này được ứng dụng rộng rãi và thuận tiện.
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?
- Ai cũng có thể là nạn nhân của deepfake khiêu dâm trong kỷ nguyên AI
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam