VN-Index giảm gần 38 điểm trong tuần qua
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần với các phiên giảm điểm chiếm ưu thế.
Thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tuần qua. Ảnh: Chụp qua màn hình
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần với mức giảm rất sâu, đi kèm với thanh khoản bùng nổ, khiến VN-Index mất mốc hỗ trợ 1.270 điểm, báo hiệu xu hướng bán hoàn toàn chiếm ưu thế.
Ba phiên tích lũy đi ngang sau phiên giảm sâu chưa thể ngăn cản được áp lực bán, khi tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do thiết lập mức đỉnh lịch sử, vượt mốc 26.000 VND tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Áp lực bán vì thế tiếp tục dâng cao trong phiên giao dịch cuối tuần, khiến VN-Index có một tuần giao dịch tiêu cực.
Đóng cửa tuần giao dịch (ngày 24 đến 28-6), chỉ số VN-Index giảm mạnh 36,7 điểm (-2,86%) so với phiên cuối tuần trước, xuống mức 1.245,32 điểm.
Có 3 phiên giao dịch giữa tuần với thanh khoản sụt giảm mạnh khiến thanh khoản cả tuần cũng sụt giảm so với tuần trước đó.
Xu hướng bán ròng của khối ngoại chưa có chiều hướng dừng lại. Khối này bán ròng liên tiếp cả 5 phiên giao dịch, với lũy kế bán ròng trong tuần trên sàn thành phố Hồ Chí Minh là hơn 4.400 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng trong tuần tới, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh, cho rằng, sau một tuần điều chỉnh và chỉ số VN-Index đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ vào cuối tuần.
Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). PCE toàn phần đi ngang trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều sát với dự báo của thị trường. Trong khi đó, PCE lõi trong tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu lạm phát mới công bố của Mỹ là thông tin thị trường mong đợi, củng cố cho kỳ vọng về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024.
Còn ở trong nước, sáng 29-6, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu vĩ mô quý II-2024 với kết quả tích cực. GDP quý II tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo của thị trường.
Động lực tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 10%. Ngành dịch vụ cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng cải thiện hơn.
Với kết quả tích cực này, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt cận trên mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%. Tuy vậy, vẫn còn đó áp lực nhất định về lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến lạm phát vẫn cần theo dõi chặt chẽ trong các tháng tới.
Những thông tin hỗ trợ mới được công bố có thể là “liều thuốc tinh thần” với nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh vừa qua.
“Phiên đầu tuần tới sẽ là một phiên khá quan trọng khi chỉ số VN-Index xác nhận có thực sự đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm hay không. Thị trường cũng bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn. Do vậy, nhà đầu tư nên ngừng bán tháo, vì chúng tôi cho rằng, nắm giữ cổ phiếu ở vùng này vẫn mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới. Đồng thời, nhà đầu tư cần chuẩn bị, sẵn sàng giải ngân nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200 - 1.220 điểm, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu”, vị chuyên gia này khuyến nghị.
Trong khi đó, chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán kiến thiết Việt Nam nhìn nhận, thị trường đóng cửa tuần với biên độ giảm sâu, nhưng thanh khoản không tăng là một tín hiệu tích cực, níu kéo biên độ giảm điểm thời gian tới.
Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh ở các phiên giảm sâu hoàn toàn áp đảo so với các phiên tích lũy nên xác suất cao, nhịp điều chỉnh sẽ tiếp diễn trong các phiên của tuần tới. Ngưỡng hỗ trợ (1.197 - 1.217) là mốc có thể giúp VN-Index đảo chiều để quay lại tín hiệu lạc quan hơn.
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu