Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức. Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, với 15 khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Ấy vậy mà, bất chấp sự thật, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị liên tục tung ra nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo về Quốc hội Việt Nam. Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định rõ vị trí, vai trò của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc, không cho phép bất cứ ai, bất cứ thế lực nào có thể xuyên tạc.
1. Hiện nay, trong khi chúng ta đang triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026), trên một số trang mạng phản động, trang mạng xã hội của cá nhân, các thế lực thù địch lại tiếp tục xuyên tạc rằng: “Quốc hội Việt Nam chỉ là cơ quan hợp thức hóa ý chí, quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải là đại diện cho quyền lực, ý chí của nhân dân Việt Nam”. Rồi “Khi nào Quốc hội ta trở thành nơi hội tụ trí tuệ của nhân dân thì khi đó, đất nước mới có tương lai”... Từ đó, chúng kêu gọi “giải tán Quốc hội” bởi vì chúng bịa đặt rằng: “quy trình Đảng cử, dân bầu vẫn khiến Quốc hội chỉ là cây cảnh của Đảng hơn là cơ quan quyền lực tối cao”.
Không dừng lại ở đó, các thế lực thù địch còn thường xuyên đưa ra những thông tin đặt điều, vu khống về nhân thân, đời tư của một số vị lãnh đạo Quốc hội nhằm kích động hoài nghi, gây hoang mang dư luận; hay lợi dụng việc một số đại biểu Quốc hội có sai phạm dẫn đến bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự, các thế lực thù địch được đà “tát nước theo mưa”, ra sức tô đen Quốc hội. Đây là điều không thể chấp nhận, cần phải được vạch trần và đấu tranh bác bỏ.
2. Thực tiễn đã minh chứng, sự ra đời của Quốc hội là thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành và sự ra đời của Quốc hội là kết tinh của sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với những giá trị phổ quát của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử. Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Quốc hội Việt Nam các khóa được bầu ra hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Do đó, Quốc hội không phải là “sân chơi riêng” của Đảng, không phải là “hội nghị đảng viên mở rộng” như các thế lực thù địch ráo riết tuyên truyền, bóp méo.
Ở nước ta, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được quy định rõ trong Điều 4, Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, hai chiều. Nghĩa là, Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật.
Điều dễ nhận thấy, gần 80 năm qua, trong Quốc hội Việt Nam có không ít đại biểu không phải là đảng viên. Như Quốc hội khóa XV, chúng ta có 14 đại biểu là người ngoài Đảng. Hơn nữa, ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”. Để trở thành ứng viên đại biểu Quốc hội, ngoài con đường được các cấp có thẩm quyền giới thiệu ứng cử, mọi công dân khi đủ tuổi theo quy định và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật đều có quyền ứng cử. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích những cá nhân đủ đức, đủ tài ra tranh cử để đại diện cho tiếng nói của người dân, của cộng đồng. Lá phiếu của mọi cử tri đều có giá trị ngang nhau, không có sự phân biệt hay bất bình đẳng nào. Sự cạnh tranh giữa ứng viên trong Đảng và ngoài Đảng là công bằng. Ai nhận được sự tín nhiệm của cử tri nhiều hơn thì người đó sẽ trở thành đại biểu Quốc hội. Chính bởi vậy, những đại biểu được bầu vào Quốc hội đều nhận được sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri.
3. Điều 69, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã nhấn mạnh vai trò của nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Tính đại diện cao nhất của nhân dân xuyên suốt quá trình thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hay nói cách khác, Quốc hội chính là nhân dân, đại diện cho nhân dân trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của mình do Hiến pháp và các luật quy định. Vì vậy, trong thực tiễn hoạt động, Quốc hội luôn phát huy, tăng cường mối liên hệ cũng như sự tham gia của người dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Như vậy, Quốc hội là cơ quan được nhân dân trao quyền, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra dựa trên nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là những quy định bảo đảm cho mỗi người dân tự do bầu cử, lựa chọn những đại biểu theo ý chí của mình. Nếu đại biểu Quốc hội hoạt động không hiệu quả, không vì lợi ích của nhân dân, không còn được nhân dân tín nhiệm nữa thì sẽ bị bãi nhiệm. Điều 7 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “1) Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 2) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Trên thực tế, trải qua các nhiệm kỳ đã có nhiều đại biểu Quốc hội không hoàn thành trọng trách đại diện cho nhân dân đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, đó là những ví dụ điển hình. Hơn nữa, các đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Bởi thế, Quốc hội có trách nhiệm cao cả là thay mặt nhân dân thực hiện đúng và đầy đủ quyền lực nhà nước. Đại biểu Quốc hội phải thường xuyên liên hệ và chịu sự giám sát của cử tri, đề đạt nguyện vọng của cử tri với các cơ quan nhà nước, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội.
4. Trong gần 80 năm qua, Quốc hội luôn nắm vững và vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, trong công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Quốc hội các khóa đã không ngừng lớn mạnh, đổi mới và hoàn thiện về tổ chức, phương thức làm việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và năng lực hoạt động của từng đại biểu Quốc hội vào sự nghiệp cách mạng chung để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đặc biệt, qua các kỳ họp Quốc hội, không khí dân chủ, đoàn kết, cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, phát triển, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước… Qua đó, vai trò của các đại biểu Quốc hội không ngừng được thể hiện rõ nét, nhất là trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chất lượng các kỳ họp Quốc hội vì thế không ngừng được nâng lên. Việc tranh luận được khuyến khích khiến vấn đề chất vấn được làm rõ hơn, nhất là các mặt hạn chế, trách nhiệm cán bộ và nêu rõ giải pháp.
Từ thực tiễn đó có thể khẳng định, mọi chiêu trò xuyên tạc, những thông tin xấu độc trên các trang mạng phản động và mạng xã hội về Quốc hội Việt Nam trong thời gian gần đây chỉ là những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bởi, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định rõ vị trí, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc, không cho phép bất cứ ai, thế lực nào có thể xuyên tạc!
Đại tá Đỗ Mạnh Cường
Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự
- Hà Nội nhận diện 18 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Củng cố sức mạnh của Đảng từ mỗi "tế bào"
- Kỷ nguyên mới, cách làm mới
- Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội
- Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
- Nhận diện chính xác để đấu tranh hiệu quả
- Phản biện xã hội - phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
- Quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác giám sát, phản biện xã hội
- Phản biện xã hội đảm bảo đúng đắn, lợi ích của Nhân dân