Vai trò của 3 người phụ nữ trong đường dây 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng, 2 triệu USD
3 người phụ nữ thành lập trên 300 công ty để nhận tiền lừa đảo rồi cùng các ông chồng gốc Phi thực hiện các công đoạn rửa tiền, vận chuyển trái phép ra nước ngoài.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã cơ bản làm rõ về đường dây tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia thực hiện các hành vi lừa đảo, rửa tiền và vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, với tổng cộng giao dịch gần 20 triệu USD và hơn 2.000 tỷ đồng.
Công an TP khởi tố 15 đối tượng về các tội “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Còn những đối tượng cầm đầu và những trùm lừa đảo thì tạm thoát thân khi đang ẩn náu ở nước ngoài.
3 người phụ nữ sở hữu hơn 300 công ty
Chuyên án bắt đầu từ giai đoạn đầu tháng 4 khi Công an TPHCM nhận được nguồn tin của Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam về việc một công ty nước này bị chiếm đoạt số tiền 314.000 USD chuyển vào 1 công ty ở Việt Nam.
Khi điều tra, ban chuyên án lần ra dấu vết của đường dây tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, có những mắt xích quan trọng tại Việt Nam và lần lượt bắt giữ các đối tượng.
Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Thúy - người lâp 112 công ty "ma" và người chồng gốc Phi, Eneh Davidson Caleb. Ảnh: Công an cung cấp
Công an làm rõ, thủ đoạn của đường dây tội phạm này là xâm nhập vào thư điện tử (e-mail) của công ty ở các nước để nắm thông tin về giao dịch, hợp đồng kinh tế quốc tế giữa các bên.
Sau đó, chúng tạo e-mail giả có tên gần tương tự, chỉ khác một ký tự, so với e-mail công ty để liên lạc với đối tác. Qua e-mail giả này chúng nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch rồi yêu cầu công ty kia chuyển tiền vào tài khoản chỉ định là công ty đặt tại Việt Nam.
Thiếu tướng Mai Hoàng - Phó giám đốc Công an TPHCM chủ trì họp án. Ảnh: Công an cung cấp
Các đối tượng ở nước ngoài chỉ đạo cho các đối tượng tại Việt Nam như: vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Thúy (35 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) - Eneh Davidson Caleb (28 tuổi, quốc tịch Nigeria); vợ chồng Lê Thị Thắm (48 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) - Okoye Chritian Ikechukwu (39 tuổi, quốc tịch Nigieria)… thành lập nhiều công ty "ma" có tên giống với tên công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ.
Sau đó, nhóm này cung cấp số tài khoản của công ty "ma" để bị hại lầm tưởng và chuyển tiền vào. Nhận được tiền, chúng chuyển sang tiền VNĐ, chuyển đi nhiều tài khoản cá nhân khác tại Việt Nam để xoá dấu vết.
Thu giữ lượng lớn con dấu của các công ty "ma". Ảnh: Công an cung cấp
Công an làm rõ, 3 người phụ nữ trong đường dây này đã sở hữu trên 300 công ty “ma” nhằm mục đích nhận tiền lừa đảo. Các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Thúy đứng tên 112 công ty, Lê Thị Thắm 53 công ty và Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, quê Nam Định) đứng tên 116 công ty.
Những người này khai nhận, làm theo chỉ đạo của các ông chồng ngoại quốc gốc Phi. Công an xác định, tài khoản của các đối tượng đã giao dịch hơn 3 triệu USD.
“Vỏ bọc” tiệm vàng để chuyển tiền trái phép đi nước ngoài
Từ số tiền chiếm đoạt được, nhóm đối tượng nói trên rút ra để chuyển trái phép ra nước ngoài cho các ông trùm, thông qua các cơ sở bí mật. Có 2 cơ sở quan trọng gồm: Yến Sào Kingfood (đường Lê Đại Hành, quận 11) do Nguyễn Thị Thu Thủy (41 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Phạm Văn Nhân (44 tuổi, ngụ quận 11) làm chủ, và tiệm vàng Đức Long (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình) do Đỗ Viết Đại (53 tuổi, ngụ quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Kim Ngân (47 tuổi, quê Đắk Lắk) làm chủ.
Đối tượng Nguyễn Thị Kim Ngân và Đỗ Viết Đại - chủ tiệm vàng Đức Long. Ảnh: Công an cung cấp
Các chủ cơ sở thuê người giao, nhận ngoại tệ, ghi chép sổ sách để chuyển tiền ra nước ngoài, chủ yếu là Campuchia và ngược lại. Chúng thỏa thuận với số đối tượng ở Campuchia mức hưởng lợi quy đổi là 1,5 triệu đồng/2,5 tỷ đồng giao dịch.
Quá trình điều tra công an xác định, từ tháng 8/2023 đến khi bị phát hiện vào đầu tháng 4/2024, các đối tượng đã thực hiện chuyển tiền từ Campuchia về Việt Nam với tổng cộng gần 11 triệu USD, 2.048 tỷ đồng; chuyển từ Việt Nam sang Campuchia khoảng 8,2 triệu USD, hơn 35 tỷ đồng.
Công an khám xét
Và thu giữ lượng lớn tiền mặt, ngoại tệ của tiệm vàng Đức Long. Ảnh: Công an cung cấp
Khi khám phá, công an đã khám xét tiệm vàng Đức Long, cơ sở Yến Sào Kingfood và các địa điểm liên quan, thu giữ hơn 1 triệu USD, nhiều loại ngoại tệ khác, hơn 9 tỷ đồng cùng hơn 200 con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhiều tài liệu, thiết bị.
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang tiếp tục mở rộng điều tra.
- Bị cáo Trương Mỹ Lan đem khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi đi khắc phục hậu quả
- Đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng thủ đoạn hắt mắm tôm, đe dọa khổ chủ
- Bà Trương Mỹ Lan: '2.000 người làm đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo'
- Xô xát tại phòng trọ, một thanh niên tử vong ở Gia Lai
- Công an TPHCM bắt 1 đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong
- Khởi tố kẻ đứng sau web phim lậu cực lớn tại Việt Nam
- Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo 6 tỷ đồng đầu tư tiền ảo, công an tìm thêm bị hại
- Hai chú cháu bị khởi tố trong vụ buôn lậu hơn 6kg vàng từ Campuchia về Việt Nam
- Bà Trương Mỹ Lan: Chỉ cần bán 10% tài sản đã thu được 500.000 tỷ đồng