Vẫn còn những yếu tố tạo kỳ vọng cho trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều dự báo đều cho thấy, áp lực trung hạn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn còn cao khi khối lượng đáo hạn lớn, đi cùng khả năng phát hành mới thấp và xu hướng tăng lãi suất. Tuy nhiên, thị trường này vẫn có những điểm kỳ vọng sẽ tích cực trở lại, nhất là tiềm năng trong dài hạn.
Thị trường cần thêm thời gian
Trong một báo cáo vừa mới phát hành, các chuyên gia của FiinRatings dự báo, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân được các chuyên gia này đưa ra là do môi trường lãi suất sẽ cần thời gian giảm để kênh trái phiếu trở nên hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, các chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý bất động sản và trực tiếp cho TPDN hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng cho rằng, hiện quy mô dư nợ của thị trường TPDN chưa tới 15% GDP. Trong đó, riêng TPDN riêng lẻ khoảng 12,5% GDP (khoảng 1,19 triệu tỷ đồng), còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025. Tuy vậy, với diễn biến trong năm 2022, VCBS không đánh giá cao kịch bản nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ sớm trở lại mạnh mẽ tại thị trường này.
Nguồn: FiinRating, HNX |
“Lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong khi khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế đáng kể với Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Đồng thời, chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao, cũng như lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường TPDN trong năm 2023” - chuyên gia của VCBS cho hay.
Chuyên gia của FiinRatings cho biết thêm, trong trường hợp những vấn đề trên được giải quyết từ quý II/2023, hoạt động huy động TPDN có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý III/2023. Dĩ nhiên, một số tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng tốt, hồ sơ pháp lý sạch và chương trình dự án sử dụng vốn TPDN rõ ràng, minh bạch vẫn sẽ có cơ hội phát hành thành công trên thị trường nợ trong nước, cũng như một số giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
“Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp tốt và chưa gặp sức ép đáo hạn có xu hướng chờ đợi thêm một thời gian để thị trường đi vào giai đoạn ổn định. Các quy định rõ ràng hơn nhằm tăng khả năng phát hành thành công và kỳ vọng nền lãi suất sẽ hạ nhiệt trong những quý tiếp theo để tối ưu về cơ cấu và chi phí vốn” - chuyên gia của FiinRatings chia sẻ.
Ba kỳ vọng cho trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn trở lại
Mặc dù cần thêm thời gian để điều tiết trở lại, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của FiinRatings vẫn nhận thấy có 3 yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho sự khôi phục của hoạt động phát hành TPDN trong 2023.
Theo đó, bên cạnh cho vay tín dụng cho doanh nghiệp theo room mới năm 2023 và triển khai các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuyên gia của FiinRatings kỳ vọng một số các ngân hàng thương mại có xếp hạng tín nhiệm tốt có thể khôi phục lại hoạt động đầu tư và kinh doanh TPDN, theo Thông tư 13/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/1/2022. Ngoài ra, khi vấn đề pháp lý dự án bất động sản được tháo gỡ và điều khoản cho phép giãn nợ trái phiếu 24 tháng, theo dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được áp dụng, giải ngân cho vay và tín dụng dưới hình thức TPDN có thể được một số các tổ chức tín dụng triển khai trở lại, bao gồm cả hoạt động tái cơ cấu nợ qua hình thức TPDN.
Cùng với đó, với những quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi có hiệu lực sẽ tạo đà cho hoạt động phát hành TPDN, hoặc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và TPDN sẽ diễn ra. Theo đó, điểm mấu chốt là các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn TPDN cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65. Đồng thời, sẽ có sự hỗ trợ bởi NHNN thông qua các tổ chức tín dụng, trong đó chấp nhận chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, song song với việc thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng với các điều khoản mới đi kèm.
iinRatings kỳ vọng, việc triển khai biện pháp chính sách này sẽ rất cần thiết trong thời gian tới. “Việc triển khai đồng bộ giữa tín dụng bất động sản và tái cơ cấu TPDN sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205 nghìn tỷ đồng TPDN trong năm 2023, trong đó 104 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn từ các doanh nghiệp bất động sản” - chuyên gia của FiinRatings nhấn mạnh.
Cũng theo FiinRatings, điểm nghẽn pháp lý là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các doanh nghiệp và dự án bất động sản hiện nay. Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý, nhất là cho bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường TPDN, tín dụng bất động sản, mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án, hoặc mua bán, sáp nhập.
Các chuyên gia của FiinRatings hy vọng sẽ có những chính sách cụ thể về việc giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà, nhất là cho phân khúc hạng trung trở xuống đến nhà ở xã hội. Điều này nên được thực hiện song song cùng các biện pháp khác như tháo gỡ pháp lý bất động sản do đây là nguồn thu lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản, chứ không phải là tín dụng ngân hàng hay TPDN.
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/
- Tỷ giá hôm nay (2/11): Đồng USD thế giới phục hồi, “chợ đen” vẫn tiếp tục tăng
- Gã khổng Aramco tụt xuống thứ 3 thế giới về vốn hóa
- Hàng trăm nghìn nhà đầu tư mắc kẹt với siêu cổ phiếu 'vang bóng một thời'
- Vàng được dự báo rớt về vùng giá 51 triệu đồng
- NHNN tiếp tục hút ròng tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trở lại
- Liên tục hút ròng, Ngân hàng Nhà nước đón đợi diễn biến bên kia bán cầu
- Chia lửa với chính sách tiền tệ
- Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra các công ty bảo hiểm
- Ngân hàng sẽ 'trả giá' nếu cứ ép người vay tiền mua bảo hiểm