Văn hóa phản biện
Phản biện được hiểu theo đúng nghĩa là sự phát hiện chính xác những sai lầm, thiếu sót, sơ hở của một chủ trương, chính sách hay đề tài nghiên cứu cụ thể nào đó; đồng thời tìm ra nguyên nhân và đưa ra gợi ý giải pháp khắc phục hoặc cảnh báo những hệ quả tiêu cực có thể có. Như vậy, phản biện mang tính xây dựng. Nhưng ngày nay dường như nó đang bị lẫn lộn với các ngữ nghĩa gần giống như: Phản bác, chê trách, phủ nhận, chống đối... Đối tượng tiếp nhận phản biện là nơi đưa ra các chính sách, quy định hoặc là tác giả của đề tài nghiên cứu.
Đối tượng thực hiện phản biện là những người có trình độ hiểu biết chuyên sâu như là chuyên gia ở từng lĩnh vực, không phụ thuộc vào bằng cấp hay địa vị.
Đối với phản biện xã hội thì nó thể hiện ở một số cuộc hội nghị góp ý hay tổng kết việc thực hiện các đề án, chương trình kinh tế, xã hội thường thấy rất ít ý kiến phản biện mạnh mẽ, mà phần nhiều là nói về thành tích và chỉ nêu một vài thiếu sót nhỏ về kỹ thuật thực hiện. Ví dụ như việc phát động và thực hiện phong trào xây dựng khu phố văn hóa một địa phương. Thực tế là có một số nơi mới công nhận danh hiệu chưa được bao lâu thì báo chí đã đăng những bức ảnh đống rác nằm ngay dưới chân bảng hiệu “Khu phố văn hóa” và mô tả bằng cụm từ “nhếch nhác”. Hoặc như việc đăng ký chiến sĩ thi đua, chủ yếu dành cho người đứng đầu cơ quan và ban giám hiệu cũng đã có ý kiến nêu ra hệ quả tiêu cực là làm mất đi động lực thi đua của rất nhiều người khác, vì họ cho rằng cấp trên đã… chiếm chỗ. Những ý kiến phản biện nghiêm túc đó bị chìm ngập trong rất nhiều báo cáo thành tích nên nhanh chóng bị lãng quên.
Phải chăng bên nhận phản biện có tâm lý bảo thủ, sợ bị phát hiện sai lầm thiếu sót về năng lực làm việc, sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân? Còn bên thực hiện phản biện có tâm lý ngại “đụng chạm” hoặc do năng lực chuyên môn hạn chế nên phản biện thiếu mạnh mẽ. Trong khi đó, một số người luôn sưu tầm những sai lầm, tiêu cực hoặc sơ hở về chính sách, quy định ở một lúc, một nơi nào đó rồi viết status đăng lên Facebook gửi lãnh đạo, chính quyền; họ diễn giải những hiện tượng cục bộ đó thành những vấn đề có tính toàn cục của chính phủ, của đất nước... và tự cho là “phản biện xã hội”. Đồng thời cũng có một số người thích sưu tầm những bài viết kiểu để gửi cho người khác. Thế là hình thành một “dòng phản biện phi nhận thức” trên mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận quần chúng. Cụ thể là những “tin đồn” theo kiểu “thuyết âm mưu” về tác hại của vắc xin đã làm cho không ít người hoang mang, lo sợ, dẫn đến tình trạng từ chối tiêm vắc xin Trung Quốc, làm chậm tiến động dịch chung của cộng đồng.
Như vậy, hoạt động phản biện kém hiệu quả phần lớn do tâm lý bảo thủ hoặc không nhận thức được lợi ích to lớn của nó đối với sự phát triển nói chung và trên mặt trận văn hóa tư tưởng nói riêng, nên không coi trọng và không khuyến khích. Mặt khác, phải chăng những người thực sự có khả năng phản biện cũng chưa coi đó là chức năng và trách nhiệm của giới trí thức nên còn thờ ơ với thời cuộc? Lĩnh vực phản biện như một khu vực quan trọng trên mặt trận văn hóa tư tưởng và người lính bảo vệ là đội ngũ trí thức chân chính. Nếu buông lỏng khu vực này thì sẽ bị người khác chiếm lấy.
Họ không phản biện mà phản bác những thành quả phát triển văn hóa xã hội.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí