Vẫn nhức nhối những hành vi lừa đảo qua thanh toán
Mặc dù việc thực hiện xác thực khuôn mặt theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN đã tạo thêm một lớp bảo vệ cho hoạt động thanh toán, nhưng các chuyên gia cho rằng, người dân vẫn không thể chủ quan bởi các hành vi gian lận, lừa đảo của tội phạm vô cùng tinh vi và biến thể liên tục, đặc biệt đánh vào những sơ hở do chủ quan của người dùng. Vẫn nhức nhối những hành vi lừa đảo qua thanh toán Thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Ảnh tư liệu
Thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Ảnh tư liệu |
Thêm lớp bảo vệ, giao dịch đã an toàn hơn
Việc ngành Ngân hàng triển khai yêu cầu xác thực khuôn mặt từ tháng 7/2024 đồng nghĩa với các giao dịch thanh toán điện tử có giá trị lớn đã được trang bị thêm một lớp bảo vệ nữa.
Nhu cầu thanh toán qua kênh số ngày càng tăng mạnh Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm. |
Quyết định 2345 yêu cầu các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), việc triển khai quyết định này góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến. Việc này cũng có tác dụng phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Việc triển khai thực hiện Quyết định 2345 đã tăng thêm một lớp bảo vệ cho các ngân hàng và người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định có 2 mục tiêu rất quan trọng: Một là, ngăn chặn tình trạng mở tài khoản bằng giấy tờ giả; hai là, mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải người trên giấy tờ đó đi mở.
Theo đó, Quyết định 2345 sẽ giải quyết triệt để vấn đề thứ nhất. Trước kia, các đối tượng sử dụng giấy tờ mua bán trên mạng hoặc giấy tờ ở các hiệu cầm đồ để mở tài khoản, giờ đây các vấn đề này chấm dứt. Ngoài ra, Quyết định 2345 cũng sẽ chấm dứt tình trạng mở tài khoản rồi cho thuê tài khoản để làm các hành vi bất hợp pháp.
Theo thống kê của NHNN, số lượng tài khoản được kiểm tra đối chiếu chỉ trong 3 ngày đầu thực hiện Quyết định 2345 đã bằng cả năm ngành Ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Do vậy, một số ngày đầu xảy ra ách tắc cục bộ do số lượng xác thực trong ngày 1/7 tăng từ 10 - 20 lần so với ngày thường, nhưng sau đó hệ thống đã sớm đi vào vận hành thông suốt ổn định.
Người dân vẫn chưa thể chủ quan
Mặc dù việc có thêm 1 lớp bảo vệ nữa khi triển khai Quyết định 2345, nhưng các chuyên gia công nghệ và chuyên gia ngân hàng khuyến cáo người dân vẫn phải cần hết sức cảnh giác, không thể chủ quan đối với tội phạm công nghệ. Bởi lẽ, hình thức thủ đoạn của tội phạm cũng luôn phát triển, với các hình thức mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Đặc biệt, chính trong thời điểm triển khai Quyết định 2345, một số ngân hàng đã phát thông báo cảnh báo khách hàng đề phòng có tình trạng đối tượng lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện đến hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký xác thực để thực hiện hành vi lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết, có 3 nhóm hình thức phổ biến, bao gồm: Lừa đảo chiếm quyền sử dụng điện thoại di dộng; lừa đảo thông qua chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực; lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng.
Theo đó, các hình thức lừa đảo hiện nay rất đa dạng, các đối tượng tội phạm am hiểu tường tận thói quen sinh hoạt hằng ngày của khách hàng, dễ dàng tiếp cận và dẫn dụ khách hàng vào các bẫy lừa đảo. Đây đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội và làm sao để ngăn chặn tình trạng này trở thành bài toán mà các cơ quan quản lý trăn trở.
Trong cuộc chiến cam go này với tội phạm công nghệ, bên cạnh các giải pháp công nghệ và pháp lý, các chuyên gia vẫn luôn đề cao vai trò của nhận thức và trải nghiệm của chính khách hàng. Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh – Giám đốc Khối Công nghệ và Vận hành, Ngân hàng Standard Charterd Việt Nam cho biết, tại Standard Charterd, để phòng chống rủi ro gian lận tài chính, ngân hàng tập trung vào 3 nguyên tắc chính: Nâng cao nhận thức, phát hiện, hành động - ứng phó. “Xuyên suốt các nguyên tắc này và các giải pháp triển khai, chúng tôi luôn lưu ý điểm quan trọng là trải nghiệm của khách hàng” - bà Lan nói.
Ngoài ra, NHNN cho biết, bước tiếp theo đang được cơ quan này triển khai thời gian tới là vận hành hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận (SIMO).
SIMO là kho dữ liệu chung của ngành Ngân hàng về tài khoản thanh toán, ví điện tử… có dấu hiệu nghi ngờ, gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật và cung cấp, chia sẻ thông tin cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai Kế hoạch 01 về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng...
Đề xuất các giải pháp về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa họp góp ý dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, để thống nhất các ý kiến của các tổ chức hội viên, kiến nghị gửi cơ quan soạn thảo. Tại cuộc họp, các tổ chức tín dụng đã có những chia sẻ, thảo luận, đặt vấn đề về việc phổ cập chữ ký điện tử liệu có tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tới các giao dịch hay không, hoặc có làm gia tăng thêm chi phí và gánh nặng cho người dân…? Đại diện một số tổ chức tín dụng cho rằng, hiện các ngân hàng đều áp dụng bảo mật 2 lớp, xác thực 2 yếu tố để đảm bảo người thực hiện giao dịch đúng là chủ sở hữu tài khoản. Từ ngày 1/7, các ngân hàng đồng loạt triển khai thêm bước xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Một số ngân hàng đề xuất ý kiến về việc bảo mật trên không gian mạng, nếu triển khai chữ ký số có thể đồng nhất trên một nền tảng để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Nếu dịch vụ trải nghiệm không tốt về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Mỗi tổ chức tín dụng cần vừa đảm bảo an toàn bảo mật cho người dân vừa phải thuận tiện sử dụng. Ngoài ra, mỗi ngân hàng cần chuẩn bị các giải pháp trong thời gian tới, nếu quy định bắt buộc sử dụng chữ ký điện tử thì mỗi ngân hàng cần phải đảm bảo cho lợi ích của người dân, có thể tính đến giải pháp một đầu mối chung để giảm thiểu chi phí cũng như cần đảm bảo tính riêng tư và phạm vi sử dụng trên toàn hệ thống. Các ngân hàng cho rằng, để tạo thuận lợi thì mỗi người dân chỉ nên có 1 chữ ký số sử dụng cho tất cả các hoạt động, từ giao dịch ngân hàng, hoạt động công ích cũng như kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng việc sử dụng chữ ký số nên để người dân tự quyết định bởi khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các qui định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
|
- Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm thanh khoản, giá vàng “lao dốc”
- Giá USD ngân hàng và USD tự do hôm nay quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (8/11): Đồng USD thế giới biến động sau quyết định của Fed, “chợ đen” quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (7/11): Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 tháng, “chợ đen” cùng chiều tăng mạnh
- Tỷ giá hôm nay (6/11): Đồng USD thị trường thế giới và “chợ đen” tiếp tục giảm mạnh
- Đồng USD trên thị trường châu Á 'chao đảo' trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
- Tỷ giá hôm nay (4/11): Đồng USD thế giới chờ đợi thông tin bầu cử, “chợ đen” miệt mài leo dốc
- Giải pháp ngân hàng số “vượt trội” Techcombank Mobile
- Tỷ giá hôm nay (2/11): Đồng USD thế giới phục hồi, “chợ đen” vẫn tiếp tục tăng