Vào cuộc chủ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội
Chào năm mới 2024, Hà Nội sẽ tập trung các đầu việc gì để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lao động, người có công và xã hội, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô? Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đã có cuộc trò chuyện đầu năm mới cùng phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ vấn đề này.
Phát huy vai trò cơ quan thường trực của Chương trình 08-CTr/TU, thực hiện tốt các chính sách đặc thù
- Bà có thể chia sẻ đôi điều về các nhiệm vụ trọng tâm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô sẽ tập trung thực hiện trong năm 2024?
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương.
- Trước mắt, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới. Mục tiêu đặt ra là trước ngày 30-1-2024 sẽ hoàn thành việc thăm hỏi, tặng quà Tết với tổng số quà tặng dự kiến là 1.086.513 suất, tổng kinh phí gần 558 tỷ đồng. Đồng thời, Hà Nội sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra cho ngành trong năm 2024. Cùng với đó là tập trung thực hiện các khâu đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Phát huy các bài học kinh nghiệm, Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững, thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất kịp thời, hiệu quả. Một mặt tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, việc quan trọng là ngành phải đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kiện toàn tổ chức, bộ máy, bảo đảm ngày càng tinh gọn, hiệu quả, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
- Để thực hiện hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU, với vai trò là cơ quan thường trực, Sở sẽ tập trung triển khai các công việc gì, thưa bà?
- Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình 08 của Thành ủy "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu Thành ủy tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 08-CT/TU.
Kết quả, toàn thành phố có 14/27 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (trong đó, 9 chỉ tiêu đã hoàn thành thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội). Có 18 Nghị quyết của HĐND thành phố; 59 quyết định, kế hoạch của UBND thành phố, 4 Quyết định của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành, triển khai thực hiện trên toàn thành phố. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thành phố quan tâm đầu tư, phát triển.
Đặc biệt, trong năm, Sở đã tham mưu thành phố ban hành 35 văn bản, bao gồm 7 nghị quyết của HĐND thành phố, 28 chương trình, kế hoạch, quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo của UBND thành phố để thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn. Trong các văn bản quy phạm pháp luật đã tham mưu, có 7 nghị quyết của HĐND thành phố dành cho các đối tượng xã hội với nhiều chính sách đặc thù quan trọng được áp dụng, nhiều nhất từ trước đến nay.
Cùng với đó, 3 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố giao, Sở đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,97%, đạt chỉ tiêu < 4% thành phố đề ra. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 73,23%, vượt 0,03 điểm % so với kế hoạch đề ra từ đầu năm, tăng 1 điểm % so với tỷ lệ đạt được năm 2022. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,53%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03%. Trong năm, có 1.456 hộ thoát nghèo (tương đương giảm 68,2% số hộ nghèo so với đầu năm 2023, vượt trên 2 lần kế hoạch giảm 30% đặt ra từ đầu năm).
Năm 2024, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố để bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo thường xuyên đánh giá tiến độ triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình, trong đó, tập trung vào những chỉ tiêu khó thực hiện, gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Đặc biệt là đi đầu trong việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội theo quy định, đồng thời, tăng cường tuyên truyền để tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt, để người dân dễ dàng tiếp cận với các nội dung thông tin. Tăng cường tuyên truyền để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Điểm nhấn ấn tượng trong công tác lao động - việc làm
Giám đốc Bạch Liên Hương và các đại biểu bấm nút khai mạc Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ, tháng 12-2023.
- Nhìn lại kết quả công tác năm 2023, một trong các điểm nhấn là việc thành phố đã giải quyết việc làm cho 214.258 lao động, đạt 132,2% kế hoạch giao trong năm, tăng 11.231 việc làm mới. Bà đánh giá thế nào về kết quả này?
- Đây thực sự là một điểm sáng nổi bật, cho thấy, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi và phát triển sôi động, số lao động được tạo việc làm tiếp tục tăng so với năm trước. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện tốt, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Đặc biệt, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được mở rộng, an toàn lao động và quản lý lao động nước ngoài được triển khai thực hiện tốt. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Trong năm 2023, thành phố không có vụ đình công nào xảy ra.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố, ước năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 2.182.357 người, tăng 124.580 người so với năm 2022, chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 82.173 người, tăng 7.158 người so với năm 2022, chiếm 2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.966.669 người, tăng 50.462 người so với năm 2022, chiếm 39,5% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; công tác tuyển sinh và gắn kết với doanh nghiệp được thành phố chỉ đạo quyết liệt. Trong năm, đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 246.100 lượt người (cao đẳng 31.993 người; trung cấp 27.071 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 187.036 người), đạt 107% kế hoạch. Có 215.534 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong năm đã góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động.
- Thành phố Hà Nội luôn coi việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Vậy công tác này được triển khai ra sao trên thực tế, thưa bà?
- Công tác chăm lo các đối tượng chính sách người có công luôn được bảo đảm, 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Kết quả, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong năm vượt gần 2 lần so với kế hoạch.
Trẻ em vượt khó học tốt luôn được thành phố quan tâm chăm sóc, tặng quà, trao học bổng...
Cùng với đó, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. 80% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện. Người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội được thành phố quan tâm, chăm lo chu đáo. Hiện nay, trên 6.000 đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc quản lý trong các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố…
Trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay hiệu quả từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm và điểm giao dịch việc làm vệ tinh.
Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, qua đó, giảm thời gian giải quyết và nâng cao được tính chính xác về giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời, kết nối hỗ trợ giới thiệu được việc làm cho người lao động.
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3