Vi phạm hành chính trong quản lý giá có thể bị phạt tới 300 triệu đồng

Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2024 | 14:35

Vi phạm hành chính trong quản lý giá có thể bị phạt tới 300 triệu đồng là nội dung được đề cập tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP

Vi phạm hành chính trong quản lý giá có thể bị phạt tới 300 triệu đồng (Hình từ internet)

Ngày 12/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Vi phạm hành chính trong quản lý giá có thể bị phạt tới 300 triệu đồng

Theo đó, Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong quản lý giá là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

- Buộc chấp hành đúng, buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; buộc công khai đầy đủ thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định; buộc báo cáo đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do trích lập, sử dụng không đúng quy định hoặc văn bản điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá;

- Buộc nộp lại văn bản kê khai giá, buộc thực hiện kê khai hoặc niêm yết giá theo quy định;

- Buộc trả lại cho khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định, số tiền đã thu lợi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

- Buộc gửi báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu; buộc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; buộc cung cấp, cập nhật thông tin về giá vào cơ sở dữ liệu về giá theo quy định;

- Buộc công khai thông tin theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;

- Buộc thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;

- Buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;

- Buộc cập nhật chứng thư thẩm định giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;

- Buộc lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;

- Buộc giải trình báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Buộc thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

- Buộc thông tin chính xác, trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;

- Buộc thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá;

- Buộc cấp lại chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cho các học viên tham gia lớp học;

- Buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng hoặc xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá đồng thời buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do hành vi vi phạm;

- Buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng hoặc xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá đồng thời buộc hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng hoặc cập nhật kiến thức cho các học viên tham gia học;

- Buộc đính chính thông tin do thực hiện hành vi vi phạm.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 4 Nghị định 87/2024/NĐ-CP như sau:

- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

- Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá áp dụng theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.