Vì sao Ấn Độ thận trọng với các “sân chơi” đa phương như IPEF?
Chú nghĩa hoài nghi với hội nhập thương mại của Ấn Độ có thể sẽ trở lại khi nước này bước vào quá trình đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).
Nhiều câu hỏi đặt ra rằng sáng kiến kinh tế mới do nước Mỹ đề xuất liệu có thể là giải pháp khả thi cho khu vực cả về khía cạnh chiến lược, chính trị và kinh tế. Hay ít nhất nó cũng đủ hấp dẫn để lôi cuốn Ấn Độ vượt qua những nghi ngại?
Ảnh minh họa: Reuters
IPEF - tầm nhìn định ra các quy tắc mới cho thế kỷ 21
16 tháng sau khi tiếp quản Nhà Trắng, và 7 tháng kể từ khi hé lộ sáng kiến về kinh tế cho khu vực tại Thượng đỉnh Đông Á 2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sáng kiến liên kết kinh tế mới nhằm khôi phục vai trò người dẫn dắt dòng chảy kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo như tuyên bố của Mỹ, khuôn khổ mới có sự tham gia của 13 quốc gia trong khu vực, sẽ không phải là một hiệp định thương mại tự do thông thường. Đó có thể là một tầm nhìn định ra các quy tắc mới cho thế kỷ 21, để khu vực cùng giải quyết các thách thức và xây dựng nền tảng cho sự tăng trưởng dựa trên những giá trị chung. Bên cạnh khả năng liên kết về kinh tế giữa các nước trong khu vực, IPEF còn mang hàm ý địa chiến lược, trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ tại Tokyo vừa qua chính thức khởi động cho quá trình hình thành của khối. Quá trình đàm phán bắt đầu triển khai trong những tháng tới sẽ làm rõ và thống nhất các quy tắc trong 4 lĩnh vực chủ chốt trong tương lai như kinh tế số, chuỗi cung ứng tin cậy, tăng trưởng kinh tế xanh, trách nhiệm doanh nghiệp và chống tham nhũng.
Nếu theo những gì đã được công bố, ưu điểm của IPEF chính là sự linh hoạt trong đàm phán và thành phần các quốc gia tham gia khá đa dạng. Dự kiến, khuôn khổ này sẽ đại diện cho 40% kinh tế thế giới, một đối trọng thực sự với những sáng kiến kinh tế do Trung Quốc dẫn dắt. Ngoài ra, các nước còn có thể cân nhắc tham gia từng trụ cột của cơ chế dựa trên ưu tiên của mình chứ không nhất thiết phải đàm phán toàn bộ 4 lĩnh vực được đề ra. Ngoài ra, vì bản chất không phải là một hiệp định thương mại, IPEF sẽ không cần được Quốc hội Mỹ xem xét phê chuẩn. Điều này tránh cho nguy cơ thỏa thuận bị chặn tại cơ quan lập pháp.
Thực chất, IPEF được coi là công cụ để Mỹ tập hợp những đồng minh và đối tác tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong nỗ lực kiềm chế và đẩy lùi Trung Quốc về mặt kinh tế. Mô hình này dựa trên sự minh bạch, cởi mở và các luật lệ nhằm thay thế cho mô hình hợp tác của Trung Quốc với bản chất do nhà nước dẫn dắt. Tuy nhiên, những tuyên bố hứa hẹn không thể che dấu đi thực tế là tới thời điểm hiện tại, khuôn khổ này còn quá ít chi tiết để có thể trở thành hiện thực. Mà ngay cả khi quá trình đàm phán hoàn tất, IPEF cũng chưa chắc chắn xóa tan được những hoài nghi ngay cả trong những thành viên tham gia. Đó là trường hợp của Ấn Độ.
Không phải ngẫu nhiên Ấn Độ lại được chú ý vào lúc này. Cường quốc dân số thứ hai hành tinh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong bốn thành viên của Nhóm Đối thoại An ninh 4 bên (QUAD) được coi là nhân tố không thể thiếu để giúp IPEF có thêm sức ảnh hưởng một khi được hình thành. Điều gây ngạc nhiên là việc New Delhi hiện vẫn đứng ngoài một loạt các cơ chế thương mại đa phương khu vực như Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thực tế đó càng khiến cho thế giới sốt ruột. Thị trường hơn 1,3 tỷ dân này vẫn được coi là “mỏ vàng” đầy hấp dẫn.
Vì sao Ấn Độ thận trọng với các “sân chơi” đa phương?
Tuy vậy, từ bên trong, Ấn Độ vẫn có cái nhìn khá thận trọng với các “sân chơi” thương mại đa phương. IPEF không phải là ngoại lệ. Hai tuần qua, dư luận Ấn Độ dè dặt khi bình luận về lợi ích thực sự, cũng như khả năng New Delhi tham gia sâu vào cuộc đàm phán. Có hai điểm khiến người Ấn băn khoăn.
Trước tiên, những nội dung của IPEF được công bố tới lúc này được cho là thiếu chi tiết và kém hấp dẫn. Dường như Mỹ - với vai trò của người khởi xướng lại “bỏ quên” mất các chi tiết liên quan tới tiếp cận thị trường và khuyến khích kinh tế với các nền kinh tế khác tham gia đàm phán. Nếu nhìn vào danh mục của IPEF, người ta có cảm giác đây là một danh sách ít ỏi nhưng là một danh sách các yêu cầu của người Mỹ về mọi thứ, từ bảo vệ môi trường và lao động đến các tiêu chuẩn kỹ thuật số.
Vậy động lực để các nước theo đuổi các cuộc đàm phán là đâu? Các nhượng bộ thương mại và thỏa thuận tiếp cận thị trường, được coi là đòn bẩy để phần còn lại chấp nhận các tiêu chuẩn Mỹ cũng chưa xuất hiện. Còn Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai lên tiếng rằng các điều khoản ưu đãi là đặc điểm của các hiệp định thương mại “truyền thống”. Nhưng quan chức Mỹ lại không nói rõ thêm điểm gì làm nên sự khác biệt giữa IPEF và những thỏa thuận thương mại từng có. Và với việc Quốc hội Mỹ, vốn có trách nhiệm phê chuẩn các nhượng bộ thương mại sẽ không bỏ phiếu về IPEF. Điều có thể chắc chắn là chính quyền Biden sẽ không có kế hoạch để đưa ra các ưu đãi về tiếp cận thị trường và nhượng bộ trong quá trình đàm phán.
Liệu điều này có giúp IPEF còn đủ hấp dẫn hay không? Trong trường hợp Mỹ, với vai trò người chủ trì, không đưa ra được các gói ưu đãi thuyết phục, các quốc gia tham gia đàm phán có thể sẽ chỉ dừng lại ở các cam kết lỏng lẻo hơn và ít kết quả hơn; thay vì tiến tới các khuôn khổ chặt chẽ và đáng giá hơn, ví dụ như phi carbon hóa chuỗi cung ứng. Mà như thế, IPEF chắc chắn sẽ không còn đủ hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.
Bản thân các nội dung của IPEF cũng chưa hẳn đã phù hợp với các lợi ích của Ấn Độ. Ví dụ trong lĩnh vực thương mại số và tiêu chuẩn lao động, Ấn Độ và Mỹ có quan điểm trái ngược nhau. New Delhi phản đối mạnh việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào bất cứ thỏa thuận thương mại nào mà nước này ký kết. Nước này từng từ chối ký vào Lộ trình Osaka về kinh tế số tại hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi năm 2019 tại Nhật Bản. Ấn Độ cho rằng việc định ra các quy tắc về thương mại điện tử có thể sẽ hạn chế không gian chính sách cho lĩnh vực thương mại số còn non nớt ở các nước đang phát triển. Đó là chưa kể tới việc
Bishwajit Dhar, giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi cho rằng, Ấn Độ đang ở vào tình huống khó xử. Vì vừa phải xoa dịu các đối tác trong QUAD sau khi nước này bảo vệ quan điểm trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine, vừa phải đảm bảo các lợi ích của mình.
“Mỹ cố gắng xây dựng các quy định thống nhất ở một mức độ nhất định. Nền tảng của TPP cho thấy điều đó. Nhưng đó lại là điểm yếu của Ấn Độ. Tiêu chuẩn lao động của Mỹ và Ấn Độ hoàn toàn trái ngược nhau. Đây là vấn đề với Ấn Độ. Chừng nào mà chúng ta chưa cải thiện về năng lực và thể chế, nó (IPEF) sẽ không mang lại lợi ích cho chúng ta”.
Vậy Ấn Độ trông đợi gì vào một thỏa thuận kiểu như IPEF để vừa mang lại lợi ích sát sườn cho mình, vừa tạo ra vị thế của nước này trên trong các khuôn khổ thương mại toàn cầu trong tương lai. Rõ ràng, đây là bài toán không dễ giải đáp.
Nhưng ngay cả khi Ấn Độ tìm ra được giải pháp dung hòa cả hai, vẫn còn nhiều người hoài nghi vào khả năng khuôn khổ liên kết khu vực mới sẽ thành công. Kinh nghiệm với TPP (phiên bản có Mỹ của CPTPP) sau khi chính quyền tiền nhiệm cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vẫn còn có giá trị vào lúc này./.
Nguồn https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-an-do-than-trong-voi-cac-san-choi-da-phuong-nhu-ipef-post948446.vov
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin