Vì sao TPHCM quyết chọn phương án phải điều chỉnh bảng giá đất?

Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2024 | 10:15

Trước khi TPHCM đưa ra dự thảo điều chỉnh bảng giá đất để lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đã xây dựng 4 phương án. Có hạn chế gì mà thành phố quyết chọn phương án điều chỉnh giá đất?

Bất cập lớn nhất: Thiếu giá đất tái định cư

Ngày mai (23/8) là thời hạn cuối để người dân TPHCM tham gia cuộc khảo sát, thăm dò dư luận trên mạng về dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất do Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện. Cuộc khảo sát này nhằm mục đích có thêm thông tin, đánh giá sự quan tâm của người dân về việc điều chỉnh giá đất. 

W-giá đất tphcm.jpg

Sở TN-MT TPHCM đã hoàn thành 3/7 bước trình tự lấy ý kiến điều chỉnh bảng giá đất. Ảnh: Anh Phương

Tại hội nghị tham vấn ý kiến đại biểu HĐND TPHCM diễn ra ngày 20/8, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, theo Luật Đất đai năm 2024, bảng giá đất hiện hành vẫn được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025 để các địa phương có thời gian chuẩn bị, ban hành bảng giá đất lần đầu. 

Bảng giá đất lần đầu theo Luật Đất đai năm 2024 không còn phụ thuộc vào khung giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026 đến hết năm. Sau đó, các địa phương sẽ điều chỉnh và ban hành định kỳ hàng năm. 

Theo ông Thắng, luật mới cũng quy định, trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tế và giá đất tại địa phương. 

Ngoài những hạn chế như thời gian ban hành 5 năm/lần hay bị khống chế bởi khung giá đất, ông Thắng cho biết, bất cập lớn nhất của bảng giá đất hiện hành là thiếu giá đất tái định cư. 

5 năm gần đây, UBND các quận, huyện tại TPHCM đã phê duyệt nhiều phương án giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường và tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Bảng giá đất hiện hành chưa cập nhật giá đất tái định cư và giá đất cụ thể đã được duyệt hiện nay.

“Nếu tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025 sẽ dẫn đến tình trạng không có căn cứ để tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư. Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định, trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá thì phải bổ sung để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư”, ông Thắng nói. 

Vì sao không tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành? 

Trước khi đưa ra dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất để lấy ý kiến rộng rãi, Sở TN-MT TPHCM đã xây dựng 4 phương án. 

Để giải quyết tình trạng giá đất tái định cư chưa được cập nhật như nói trên, có phương án sẽ điều chỉnh giá đất các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư theo giá thực tế. Còn giá đất tại các tuyến đường trong bảng giá đất hiện hành thì nhân với hệ số K theo Quyết định số 56/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024). 

Theo Sở này, nếu tính giá đất bằng cách lấy giá tại bảng hiện hành nhân với hệ số K mới nhất, vẫn thấp hơn nhiều so với giá bồi thường thực tế. 

Như tại TP Thủ Đức, giá đất theo bảng giá hiện hành trên đường Nguyễn Duy Trinh sau khi nhân với hệ số K là 9 triệu đồng/m2. Nhưng giá đất bồi thường đã được duyệt trên tuyến đường này lại lên đến 73 triệu đồng/m2.

Trường hợp điều chỉnh giá đất tại các tuyến đường dự kiến bố trí tái định theo giá thực tế, Sở TN-MT cho rằng có bất cập là trên cùng một tuyến đường hoặc khu dân cư giáp ranh khu tái định cư sẽ có hai mức giá chênh lệch lớn dù điều kiện về cơ sở hạ tầng như nhau. 

Đơn cử như dự án tái định cư dự kiến bố trí tại đường số 1 thuộc Khu tái định cư Phước Thiện, phường Long Bình, TP Thủ Đức, giá nền đất tái định cư được duyệt là 51 triệu đồng/m2. Nhưng tại khu vực có hạ tầng tương đồng, giá đất trên đường số 8 chỉ ở mức 5 triệu đồng/m2, nếu tính theo cách lấy giá tại bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số K. 

W-giá đất tphcm.JPG.jpg

Sở TN-MT TPHCM cho rằng, nếu tính giá đất bằng cách lấy giá tại bảng hiện hành nhân với hệ số K mới nhất, vẫn thấp hơn nhiều so với giá bồi thường thực tế. Ảnh: Anh Phương 

Sở TN-MT cho rằng, nếu thực hiện phương án này sẽ dẫn đến sự không công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất. Bởi vì, Luật Đất đai năm 2013 quy định, người bị thu hồi đất được tái định cư thì giá đất tái định cư xác định theo giá thị trường. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2024 lại quy định giá đất tái định cư được xác định theo bảng giá đất. 

Ngoài ra, sẽ không công bằng giữa người nộp tiền sử dụng đất tái định cư và người chuyển mục đích sử dụng đất tại cùng một khu vực. 

Như giá đất tại khu tái định cư Phước Thiện đã được phê duyệt dao động từ 38-55,6 triệu đồng/m2. Cũng tại khu vực này, giá đất theo bảng giá hiện hành nhân với hệ số K chỉ 8,6 triệu đồng/m2.

“Nếu được bố trí tái định cư thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất với giá thấp nhất là 38 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu người dân chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp tiền sử dụng đất ở mức giá 8,5 triệu đồng/m2. Cùng nộp tiền sử dụng đất tại một khu vực nhưng mức giá chênh lệch rất lớn, điều này là không công bằng”, Sở TN-MT phân tích. 

Hay giá nền đất tại khu tái định cư Vành đai 3, huyện Hóc Môn được duyệt từ 21,7-26 triệu đồng/m2. Nhưng cùng khu vực, giá đất trên đường Nguyễn Thị Sáu theo bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số K chỉ 2 triệu đồng/m2. 

Hai phương án khác cũng được Sở TN-MT tính đến, đó là giữ nguyên bảng giá đất hiện hành và điều chỉnh theo hướng sử dụng giá đất hiện hành nhân với hệ số K. Tuy nhiên, qua phân tích và đánh giá, cuối cùng Sở TN-MT trình phương án chọn là điều chỉnh bảng giá đất theo như dự thảo đang lấy ý kiến