Vì sao Việt Nam tiêm nhiều song tử vong do Covid-19 vẫn cao?

Chủ nhật, ngày 23 tháng 1 năm 2022 | 11:27

Tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho dân số 18 tuổi trở lên tại nước ta đạt 94%. Tuy nhiên, số ca mắc mới và tử vong hiện vẫn ở mức cao, với hơn 150 ca tử vong và khoảng 16.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Nguyên nhân gia tăng ca tử vong

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, so với thời kỳ tháng 8,9/2021, số tử vong đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vaccine. Tại TPHCM, An Giang… có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi. 

Ngoài ra, số ca nhiễm Covid-19 trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế một số địa phương. Tỷ lệ gây bệnh nặng của biến thể Delta cao hơn 234% và khả năng tử vong cao hơn 132% so với chủng cũ. 

Vì sao Việt Nam tiêm nhiều song tử vong do Covid-19 vẫn cao? - 1

Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vaccine (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bên cạnh đó còn một số hạn chế, bất cập trong thu dung điều trị tại cơ sở. Người bệnh nặng đến cơ sở tầng 3 muộn do tự điều trị tại nhà hoặc chuyển tuyến dưới chậm. Điều phối chuyển viện, chuyển tầng chưa hợp lý, một số tỉnh chưa triển khai quản lý tại nhà các trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, gây quá tải bệnh viện. Sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn, dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm. 

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 36.000 ca tử vong do Covid-19, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm. Trong đó, TPHCM là địa phương ghi nhận số tử vong cộng dồn cao nhất với hơn 20.000 ca tử vong, tiếp theo là Bình Dương với hơn 3.000 ca, Đồng Nai hơn 1.500 ca, Tiền Giang và An Giang hơn 1.000 ca mỗi tỉnh. 

Với số ca mắc mới Covid-19 tăng cao trong thời gian qua, TP Hà Nội nằm trong nhóm 5 địa phương có số ca mắc cộng dồn cao nhất cả nước với hơn 100.000 ca. Trong đó đã có hơn 400 ca tử vong, chiếm tỷ lệ khoảng 0,4% so với tổng số ca mắc. 

Vì sao tiêm vaccine nhiều tử vong vẫn cao?

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine trên cả nước là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 94% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tại TP Hà Nội, tỷ lệ bao phủ mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên cũng đạt 100%, tỷ lệ bao phủ mũi 3 đạt khoảng 27%. 

Vì sao Việt Nam tiêm nhiều song tử vong do Covid-19 vẫn cao? - 2

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng với tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số ca bệnh của Hà Nội cũng như nhiều địa phương sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, cả chính quyền và người dân không nên lấy lý do tiêm vaccine đủ để chủ quan. 

"Không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine, số lượng này không lớn nhưng có", Ts Phu nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông, khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. Lấy một ví dụ đơn giản để hình dung, nếu như trước khi tiêm vaccine 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Như vậy có thể so sánh tỷ lệ chuyển nặng giảm đi 10 lần nhưng số ca nhiễm lại tăng cao gấp 10 lần. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỷ lệ tử vong.

"Khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ, vấn đề quá tải "ảo" xảy ra do điều tiết y tế không kịp, không chính xác. Hậu quả là nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao", TS Phu phân tích.

Ông Phu cũng lưu ý cần soát xét lại những trường hợp hiện nay chưa được tiêm chủng mà chủ yếu nguyên nhân là những người già, những người do chống chỉ định không tiêm chủng trước đây để có thể tiêm nếu có thể được. Lý do vì hiện nay số người nhiễm trong cộng đồng tăng cao, yếu tố lây nhiễm theo gia đình đang tăng lên nên những người này dễ nhiễm bệnh hơn trước đây.

Chung quan điểm này, TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh song chủ yếu thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh không có vaccine nào hiệu quả 100% nên vẫn có một tỷ lệ nhất định chuyển biến nặng, thậm chí tử vong. 

Bên cạnh đó, theo ông, cũng phải tính đến yếu tố cơ địa bệnh nền. Bệnh nhân có thể không chết vì Covid-19 mà chết vì bệnh nền tăng nặng lên. 

Vì sao Việt Nam tiêm nhiều song tử vong do Covid-19 vẫn cao? - 3

"Vì chúng ta tiêm vaccine nhiều nên đa phần các bệnh là không triệu chứng hoặc thể nhẹ. Lấy ví dụ trước có 1.000 ca nặng thì giờ chỉ có 100 ca, giảm đến 10 lần cũng đã rất tốt", Ts Thái chia sẻ. 

Vì thế, việc phòng bệnh vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo dù đã tiêm vaccine, người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K trong bất cứ thời điểm nào. Việc tự ý thức, bảo vệ bản thân là rất quan trọng. Người dân cần phải luôn phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân mình, đang là F0. Việc không thực hiện tốt 5K là điều kiện làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em… 

Việc tiêm đủ liều vaccine chỉ giảm sự lây nhiễm chứ không hoàn toàn đảm bảo người tiêm không bị lây nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, tiêm phòng có thể cứu mạng bạn. Vaccine Covid-19 cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh diễn biến nặng, nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã được tiêm vaccine, hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân, gia đình, bạn bè và bất kỳ ai khác mà bạn có thể tiếp xúc. 

Nguồn Dân Trí

https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-viet-nam-tiem-nhieu-song-tu-vong-do-covid19-van-cao-20220122094207231.htm