Vì sao bệnh gout ngày càng trẻ hóa?

Thứ tư, ngày 28 tháng 8 năm 2024 | 11:55

Trước đây, độ tuổi mắc bệnh gout chủ yếu trong khoảng 40-60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, thậm chí có trường hợp 20-30 tuổi cũng đã mắc bệnh.

benh-gut.jpg

Điều trị cho bệnh nhân bị gout tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Trên thế giới, bệnh gout thường gặp ở các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 0,02-0,2% dân số, nam giới chiếm chủ yếu (trên 95%). Còn tại Việt Nam, bệnh gout chiếm khoảng 1/3 tổng số người đến khám các vấn đề về xương khớp. Đây cũng là bệnh đứng thứ 4 trong số 15 bệnh về khớp thường gặp.

Điển hình như nam thanh niên T.T.L (20 tuổi ở Hà Nội), sau một sáng thức dậy bỗng cảm thấy ngón chân phải nóng đỏ và đau. Nghĩ rằng, cơn đau là do vận động, đi lại nhiều nên L đã dùng cao xoa bóp. Thế nhưng, tình trạng không những không cải thiện mà khớp ngón chân còn sưng và đau hơn. Lo lắng, L đến Bệnh viện Bạch Mai khám và bất ngờ khi được bác sĩ thông báo mắc bệnh gout.

Tiến sĩ - bác sĩ Tạ Thị Hương Trang, Trung tâm Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gout là bệnh khớp do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric trong máu gây bão hòa và làm lắng đọng các tinh thể MSU (monosodium urate crystals) ở các tổ chức như: Sụn khớp, đầu xương… Trong khoảng 25/100 người có hàm lượng tăng acid uric trong máu cao đã được phát hiện mắc bệnh gout. Bệnh thường gặp ở nam giới gấp 8 lần nữ giới.

Cũng theo bác sĩ Tạ Thị Hương Trang, tỷ lệ biến chứng của bệnh gout chiếm 50%. Cụ thể, cứ 100 bệnh nhân có 50 người bị các biến chứng. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân không thuyên giảm trong 20 năm qua. Điều đáng nói là độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa. “Ngoài yếu tố tiền sử gia đình thì tình trạng thừa cân, béo phì, chế độ ăn giàu đạm, ít vận động, ít luyện tập thể dục, thể thao, lạm dụng rượu, bia… là những yếu tố quan trọng khiến bệnh nhân gout gia tăng và trẻ hóa”, bác sĩ Tạ Thị Hương Trang lý giải.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, các bác sĩ đã phẫu thuật thay khớp gối thành công cho bệnh nhân N.Q.T (40 tuổi ở Thái Nguyên). Đây là chỉ định dành cho những trường hợp mắc bệnh gout mạn tính gây tổn thương khớp gối nghiêm trọng. Trước đó, anh T phát hiện mắc bệnh gout từ năm 20 tuổi. Căn bệnh khiến các khớp xuất hiện nhiều khối u (hạt tophi) và gây đau làm cho bệnh nhân ngày càng hạn chế vận động. Thậm chí, bệnh nhân không thể gấp và duỗi khớp gối bên phải. Sau khi phẫu thuật thay khớp gối và tập phục hồi chức năng, anh T đã có thể gấp duỗi khớp gối một cách dễ dàng và bước đi như người bình thường.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, lượng bệnh nhân đến khám do gout chiếm khoảng 1/3 tổng số người đến khám các vấn đề về xương khớp. Trong đó cũng ghi nhận những trường hợp mắc gout khi mới 20-23 tuổi. Các bác sĩ cho biết, bệnh gout thường diễn biến âm thầm. Có người tình cờ phát hiện bệnh nhờ vào việc khám sức khỏe định kỳ. Sau khi tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nhiều bệnh nhân đã không tái phát bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại khi đa số người bệnh xem nhẹ và cho rằng, bệnh gout không nguy hiểm như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Hơn nữa, khi xuất hiện những đợt gout cấp, đau khớp, người bệnh đã ra hiệu thuốc mua thuốc tự điều trị hoặc uống thuốc giảm đau thay vì đến bệnh viện. Việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người dân dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử… Bên cạnh đó, có những người đã đi khám và dùng thuốc theo chỉ định nhưng khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc. Nếu không tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ sẽ khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng. Thậm chí, người bệnh dễ gặp phải tình trạng biến dạng khớp, giảm chức năng vận động, dẫn tới tàn phế và nguy hiểm đến tính mạng.

Để việc điều trị mang lại hiệu quả, Tiến sĩ - bác sĩ Tạ Thị Hương Trang lưu ý, bệnh nhân tuyệt đối không dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không do thầy thuốc chỉ định. Cùng với đó, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể là tránh uống bia và rượu mạnh hoặc ăn những thực phẩm giàu purine như: Phủ tạng động vật, thịt bê, dê, thịt hun khói; hạn chế ăn hải sản, uống nước ép hoa quả ngọt và nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước… Ngoài thay đổi lối sống, để kiểm soát bệnh, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, tái