Vì sao người dân Khu dân cư 710 vẫn chưa được nhận sổ đỏ sau gần 20 năm?
Do dự án chưa lập thủ tục đất đai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng Công ty 710 đã phân chia 246/251 nền đất cho cán bộ, công nhân viên xây dựng nhà ở là vi phạm Luật Đất Đai.
Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương vừa có câu trả lời cử tri phường Đông Hòa, TP Dĩ An về việc kiến nghị ngành chức năng sớm cấp quyền sử dụng đất cho người dân tại khu dân cư 710 (KDC 710) do Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 710 (Công ty 710) làm chủ đầu tư.
Sau 20 năm hình thành dự án, người dân khu dân cư 710 vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì sai phạm của chủ đầu tư. Ảnh: Lê Giang
Hàng trăm hộ dân tại KDC 710 đã mua đất và sinh sống tại đây gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nhận sổ đỏ vì những sai phạm của chủ đầu tư khiến cuộc sống chưa thể ổn định.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên của Công ty Công trình giao thông 710 (Công ty 710) đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Công văn số 355/UB-SX ngày 9/2/2001 trên khu đất có diện tích khoảng 4,5ha tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Ngày 9/4/2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1064/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Công ty 710 và phê duyệt điều chỉnh với diện tích gần 4,7 ha.
Do dự án chưa lập thủ tục đất đai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng Công ty 710 đã phân chia 246/251 nền đất cho cán bộ, công nhân viên và đến năm 2013 đã xây dựng được 100 căn nhà.
Ngày 8/2/2014, UBND tỉnh có Công văn số 338/UBND-KTN thống nhất giao Thanh tra tỉnh chủ trì cùng các ngành liên quan thanh tra toàn diện dự án. Sau đó, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr về tình hình quản lý, sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác xây dựng bảo vệ môi trường của Công ty 710.
Từ Kết luận Thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Thông báo số 233/TB-UBND ý kiến kết luận thanh tra dự án KDC 710 của Công ty 710. Trong đó giao Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng tham mưu trình tự, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 110/92 và dự án KDC 710 của Công ty 710.
Yêu cầu Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra làm rõ xử lý hành vi vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Tiếp đó, sau khi có kết quả xử lý vi phạm của cơ quan Công an điều tra đối với Công ty 710, UBND tỉnh giao UBND thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An) quản lý, xem xét cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân theo quy định.
UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ 110/92/GCN-SB ngày 14/10/1992 cho Công ty 710 và Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 hủy GCNQSDĐ của Công ty 710, lý do: Công ty không nộp bản chính Giấy chứng nhận do hiện đã thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bến Nghé.
Sở Tài nguyên - Môi trường nhận định, trước đây giữa Công ty 710 và các hộ dân tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Trách nhiệm để xảy ra vụ việc thuộc về Công ty và các hộ dân; Các hộ dân đang sử dụng đất khi chưa được GCNQSDĐ là vi phạm pháp luật đất đai. Xuất phát từ nguyên nhân trên dẫn đến vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết xong.
Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Công an tỉnh tiếp tục thụ lý hồ sơ để giải quyết và sẽ báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Sau khi có kết quả giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành xem xét giải quyết các thủ tục tiếp theo.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/vi-sao-nguoi-dan-khu-dan-cu-710-van-chua-duoc-nhan-so-do-sau-gan-20-nam-post175966.html
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở