Vì sao tình nguyện viên BV Hồi sức Covid-19 chưa nhận đủ tiền chống dịch?
Trước việc còn nhiều tình nguyện viên, y bác sĩ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TPHCM phản ánh chưa nhận đủ tiền chống dịch, Sở Y tế TPHCM đã lên tiếng lý giải nguyên nhân.
Tại buổi họp báo do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức chiều 4/4, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế đã có lý giải liên quan đến sự việc nhiều tình nguyện viên, nhân viên y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM phản ánh đến nay vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ chống dịch.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có quy mô 1.000 giường, đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM (do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chính về chuyên môn) đi vào hoạt động từ tháng 7/2021, thời điểm dịch bệnh bùng phát trên diện rộng tại TPHCM.
Lúc căng thẳng nhất, hàng nghìn y bác sĩ, tình nguyện viên… ở khắp các tỉnh thành trên cả nước đã đến bệnh viện để tham gia tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch.
Ngày 18/3, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chính thức ngừng nhận bệnh.
Những bệnh nhân cuối cùng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Ảnh: BVCR).
Theo bà Như, sau thời gian nhiều tháng chống dịch căng thẳng, từ cuối năm 2021, TPHCM bắt đầu chi trả các chế độ cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đến nay, việc chi trả đã thực hiện hơn một nửa, tuy nhiên còn một số trường hợp bị vướng giấy tờ, thủ tục, khiến việc chi bị chậm. TPHCM đang khẩn trương xử lý các thủ tục để giải ngân và mong các tình nguyện viên, nhân viên y tế cảm thông, chia sẻ.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 không phải là nơi duy nhất tồn tại vấn đề chậm chi trả tiền chống dịch.
Mới đây, Dân trí nhận được phản ánh của anh N.H., một trong các tình nguyện viên tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 6 (đóng tại TP Thủ Đức) từ tháng 8/2021.
Các tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 6 (Ảnh: N.H).
Anh H. chia sẻ, đến giữa tháng 3 nhiều người trong nhóm anh chưa nhận đủ tiền chống dịch của năm 2022, chưa có tiền hỗ trợ lực lượng tuyến đầu theo Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM. Trong khi đó, hợp đồng làm việc thỏa thuận thời điểm trả tiền là vào ngày 5-10 hàng tháng.
Theo anh H., nhóm anh đã nhiều lần liên hệ Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (đơn vị chủ quản Bệnh viện dã chiến số 6) để hỏi thì được cho biết, bác sĩ bị nhiễm Covid-19 nên không có người hoàn thiện hồ sơ tiền phụ cấp trả theo tháng. Riêng tiền Nghị quyết 12, bệnh viện giải thích chưa nhận được bảng chấm công.
Sau khi PV thông tin trực tiếp vấn đề trên đến lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, nhóm anh H. đã được giải quyết tiền chống dịch của tháng 1 và tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 12 (mức 4,5 triệu đồng).
"Hiện chúng tôi vẫn đang đợi lương tháng 2" - đại diện nhóm tình nguyện viên chia sẻ.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-tinh-nguyen-vien-bv-hoi-suc-covid19-chua-nhan-du-tien-chong-dich-20220405001842785.htm
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở