Viện kiểm sát nói TS Đặng Anh Quân phản biện xã hội mà 'quên' phản biện bà Phương Hằng
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng ông Đặng Anh Quân luôn nói tham gia livestream để phản biện xã hội nhưng lại quên phản biện người gần mình nhất là bị cáo Nguyễn Phương Hằng.
Ông Đặng Anh Quân tại tòa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không chỉ cá nhân, Nhà nước cũng bị xâm phạm
Tranh luận với quan điểm luật sư về việc xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng bản chất vụ án ngay ban đầu xảy ra, những người này đã tố cáo bị cáo Phương Hằng tội "vu khống", sau đó mới tố cáo tội lợi dụng quyền tự do dân chủ (điều 331).
Giữa bị cáo Phương Hằng và những người liên quan không quen biết từ trước, chỉ xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội. Trong quá trình phát ngôn khi livestream, bị cáo Hằng xâm phạm đến quyền, lợi ích cá nhân nhưng cũng đã xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, do đó cần xem xét khách thể bị xâm phạm cao nhất là lợi ích của Nhà nước.
Việc bà Đặng Thị Hàn Ni và các luật sư cho rằng cần xem xét hành vi "vu khống" và "làm nhục người khác", đại diện viện kiểm sát cho rằng quá trình điều tra đã xem xét, tuy nhiên cơ quan điều tra xác định các bị cáo phạm tội theo điều 331 nên không cần truy tố tội danh khác.
Bị cáo Quân 'quên' phản biện bị cáo Hằng
Trước đó, trong phần xét hỏi và tranh luận, ông Đặng Anh Quân khai là khách mời trong các buổi livestream với bà Hằng. Lý do ông tham gia các buổi livestream này là để phản biện xã hội. Ông Quân thừa nhận việc xúc phạm nhau trên không gian mạng là sai nhưng ông cho rằng phải xem ai là người có lỗi trước. Đồng thời cho rằng nội dung trong cáo trạng là cắt ghép, xáo trộn nội dung ông phát biểu.
Theo viện kiểm sát, việc bị cáo Quân cho rằng mình không đồng phạm nhưng suốt quá trình bào chữa cho mình, bị cáo Quân luôn khẳng định mình là người am hiểu pháp luật, bị cáo tham gia livestream là để phản biện các hiện tượng xã hội nhưng quên mất phải phản biện người gần bị cáo nhất là bà Phương Hằng.
Bị cáo Quân là tiến sĩ luật, là người am hiểu pháp luật và là giảng viên đại học luật, lẽ ra bị cáo phải nhận thức được những sai phạm của bị cáo Hằng, ngăn cản bị cáo Hằng. Ngược lại bị cáo còn ủng hộ tinh thần cho bị cáo Hằng.
"Bị cáo Hằng tin tưởng bị cáo Quân là tiến sĩ luật nên nghĩ những phát ngôn của mình là đúng, từ đó dẫn đến hàng loạt buổi livestream khác", kiểm sát viên nói.
'Đã lên tiếng phản biện thì sẽ không tránh đâu'
Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Hằng cho biết việc trở thành bị cáo khiến bà rất đau khổ.
"18 tháng qua bị cáo bị tạm giam và việc bị tạm giam khiến bị cáo không thể giúp đỡ người nghèo, đó là việc bị cáo rất ân hận. Bị cáo cầu xin được sớm trở về sống lương thiện, giúp ích cho dân nghèo, cho đất nước" - bà Hằng nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi cho rằng bản thân chỉ là nhân viên, giúp bà Hằng livestream, đến khi bà Hằng bị khởi tố thì bị cáo mới biết mình sai. Những việc làm của bị cáo nếu có làm tổn hại đến những người liên quan thì bị cáo xin lỗi, xin tòa xem xét cho bị cáo hưởng án treo do có con nhỏ.
Bị cáo Lê Thị Thu Hà cũng cho biết do là nhân viên nên chỉ làm theo chỉ đạo, bị cáo cũng không mâu thuẫn gì với những người liên quan, xin được hưởng án treo để sớm về với gia đình vì bị cáo là trụ cột chính trong gia đình.
Bị cáo Huỳnh Công Tân gửi lời xin lỗi đến tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và xin lỗi với bà Hằng, ông Dũng và các đồng phạm vì bị cáo cũng có một phần trách nhiệm trong việc không ngăn cản hành vi phạm tội. Bị cáo Tân cũng xin được hưởng án treo để bù đắp lại những hành vi sai trái của mình.
Bị cáo Quân cho biết đã chờ 7 tháng để nói lên những suy nghĩ của mình. Bị cáo cho rằng khi đã dám lên tiếng đấu tranh, phản biện xã hội thì sẽ không "tránh đâu", bị cáo dám nghĩ dám làm.
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo