Việt Nam, Nhật Bản bị Trung Quốc bỏ lại trong trào lưu tiền mã hóa? Trọng Đạt

Chủ nhật, ngày 17 tháng 7 năm 2022 | 18:10

Thanh toán số đang bùng nổ, Trung Quốc sẽ mở rộng việc triển khai đồng Nhân dân tệ số (e-CNY), bứt tốc hẳn so với nhiều quốc gia ở khu vực châu Á.

Trong một chia sẻ mới đây, Giám đốc Viện nghiên cứu Tiền số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, quốc gia này sẽ mở rộng quy mô thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số.

Theo đó, thay vì chỉ được triển khai tại 11 địa điểm như ban đầu, việc thử nghiệm e-CNY sẽ được mở rộng lên 23 địa điểm. Quy mô của cuộc thử nghiệm này diễn ra rộng khắp tại 15 trên tổng số 31 tỉnh và các khu tự trị ở Trung Quốc.

Một điểm chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ số  tại Trung Quốc. Ảnh: JD

Đồng Nhân dân tệ số hay e-CNY là một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Đây là định dạng số của tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng trung ương phát hành. 

CBDC mang đặc điểm của cả hai loại tiền mã hóa và tiền pháp định. Nó được phát hành bởi các ngân hàng trung ương nhưng lại sử dụng thuật toán tương tự như các loại tiền mã hóa. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có gần 4,6 triệu điểm giao dịch tại Trung Quốc chấp nhận thanh toán bằng e-CNY. 

Thống kê đến ngày 31/5/2022 cho thấy, đồng Nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc đã có 264 triệu giao dịch được thực thi với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 12,3 tỷ USD. Tại Olympic Bắc Kinh 2022, e-CNY cũng đã thể hiện được vai trò của mình trong việc trở thành một kênh thanh toán đáng tin cậy. 

Đây cũng là những lý do khiến quốc gia này tích cực trong việc mở rộng quy mô triển khai thử nghị đồng Nhân dân tệ số. Trong đại dịch Covid-19, một số nơi tại Trung Quốc thậm chí còn đề xuất chiến dịch airdrop (tặng) e-CNY cho người dân như một động thái kích cầu tiêu dùng.

Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô triển khai thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số. Ảnh: Reuters

Hiện đã có hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu về kế hoạch triển khai đồng CBDC của riêng mình ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trước đó, một cuộc khảo sát từng được thực hiện bởi Bank for International Settlements vào tháng 1/2021 cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng trung ương được hỏi cho biết, họ đang tham gia làm việc cùng với các đồng CBDC. 

Khoảng 60% các ngân hàng trung ương tham gia cuộc khảo sát của Bank for International Settlements bỏ ngỏ khả năng sẽ phát hành những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình trong thời gian tới. 

Tại khu vực châu Á, Campuchia cũng đã triển khai hệ thống thanh toán toàn quốc dựa trên công nghệ blockchain do Ngân hàng Quốc gia Campuchia phát triển với tên gọi Bakong.

Tính đến tháng 11/2021, ứng dụng Bakong đã có 270.000 người sử dụng tại Campuchia. Người dân Campuchia không cần có tài khoản ngân hàng để đăng ký sử dụng Bakong. Yêu cầu duy nhất là họ phải có số điện thoại di động do một nhà mạng Campuchia cung cấp.

Hồi đầu năm nay, từng có thông tin cho biết Nhật Bản sẽ phát hành một đồng tiền mã hóa với giá trị được neo giữ theo đồng Yên Nhật. Do mới chỉ là kế hoạch, điều này chắc chắn không thể được thực hiện nhanh chóng trong một sớm một chiều.

Người dân Trung Quốc thanh toán qua mã QR tại một cửa hàng Mi Store ở Thâm Quyến. Ảnh: Trọng Đạt

Với Việt Nam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025. 

Hồi tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã chính thức được thành lập. Đây là tổ chức pháp nhân chính thức đầu tiên liên quan đến lĩnh vực công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng có sự xuất hiện của Liên minh Blockchain Việt Nam - tổ chức chuyên tư vấn khung pháp lý về blockchain, tiền số. 

Mặc dù vậy, có vẻ như chúng ta vẫn còn đang bị kẹt lại phía sau. Thậm chí, Việt Nam vẫn còn đang loay hoay với những đề xuất nên gọi Bitcoin là tiền mã hóa, "tiền ảo" hay tiền số.

Nhìn về tương lai, việc phát hành CBDC hay sử dụng một đồng stablecoin được phát triển dựa trên công nghệ blockchain được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian và loại bỏ bớt các chi phí trong quá trình giao dịch. 

Trong cuộc đua phát triển đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, có thể thấy Trung Quốc đang "nhanh chân" hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á. 

Ở thời điểm hiện tại, quốc gia tỷ dân này cũng đang là một trong những thị trường thanh toán số phát triển nhộn nhịp nhất toàn cầu. Với xu hướng phát triển tiếp theo của thanh toán số là CBDC, có vẻ như Trung Quốc cũng sẽ không chậm lại.

Trọng Đạt