Việt Nam cần có bước tiến mới trong thu hút đầu tư nước ngoài
Nhiều năm qua, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của FDI, thu hút FDI thuộc hàng cao nhất ASEAN. Tuy nhiên, những lợi thế của Việt Nam đang vấp phải trở ngại từ những nước khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi hệ sinh thái sản xuất của Việt Nam phải có những bước tiến mới để giải quyết được những trở ngại này.
Đây là nhận xét của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC trong báo cáo Vietnam at a glance của tháng 7, với những đánh giá lại về triển vọng FDI của Việt Nam.
Nhiều yếu tố hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia
Theo báo cáo, Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định trên 4% GDP, thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, đến Việt Nam xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ đây đi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng, cùng với những diễn biến như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, việc thích nghi với môi trường đầu tư này trở nên phức tạp hơn.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã bùng nổ từ năm 2007. |
Chuyên gia của HSBC nhận xét, một số lợi thế Việt Nam đang quảng bá có thể vấp phải trở ngại từ những nước khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái sản xuất của Việt Nam cần tiến lên một cấp độ mới để giải quyết được những trở ngại này.
Điều đó đòi hỏi nhiều bước tiến tích cực nhằm khuyến khích nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực kỹ thuật và cải thiện cơ sở hạ tầng hiện tại để tạo điều kiện và hỗ trợ cho những dòng vốn FDI mới.
Từ trước tới nay, dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là của Samsung với nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở Bắc Ninh vào năm 2008. Năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.
Có nhiều yếu tố thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và các quốc gia khác, dù người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng, thể hiện qua kết quả khảo sát PISA của Việt Nam ở mức cao.
Theo HSBC, một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Một số doanh nghiệp tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu. |
Các chi phí như năng lượng cũng khá cạnh tranh. Giá điện cho kinh doanh ở Việt Nam thấp thứ hai so với các quốc gia khác. Giá dầu diesel cũng có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, hỗ trợ và tạo điều kiện cho FDI.
Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất
Với các yếu tố này, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm, hiện tại có thể sánh với Singapore. Mặc dù vậy, sự gia tăng hội nhập lại chủ yếu diễn ra thông qua liên kết ngược nhiều hơn. Việt Nam hiện tại được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian phức tạp cho khâu lắp ráp cuối cùng, minh chứng là tỷ lệ nội địa hóa thấp trong ngành hàng điện tử.
Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, báo cáo này cho rằng điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này. Mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn.
Sự thiếu hụt nhân công có chuyên môn cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như logistics và vận tải hàng hải. Bên cạnh mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước có thể giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp. Chẳng hạn, công ty sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ Synopsys mới đây ký thỏa thuận hợp tác làm việc cùng sinh viên và giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong thiết kế, đào tạo và nghiên cứu vi mạch.
Bên cạnh thuế, các yếu tố khác như chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước. Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới.
Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN Nhận định về tình hình kinh tế tháng 7, HSBC đánh giá thương mại của Việt Nam tiếp tục phục hồi, với xuất khẩu tháng 7 tăng 19,1%, cao hơn kỳ vọng của thị trường. Tính từ đầu năm, FDI sản xuất đăng ký mới đã tăng 36% so với cùng kỳ, cao hơn một số năm trước đây. Mặc dù vậy, lượng khách quốc tế yếu đi đáng kể, với số khách hàng tháng 7 giảm xuống dưới 1,2 triệu. Tăng trưởng bán lẻ vẫn không thay đổi, đạt mức 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tiến sát đến trần 4,5%. Mặc dù vậy, HSBC cho rằng những hiệu ứng bất lợi sẽ sớm giảm đi, đẩy lạm phát xuống thấp đáng kể trong nửa cuối năm 2024. Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng giữ lãi suất chính sách ổn định trong suốt thời gian dự báo. Điều này có khả năng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 ở mức 6,5%, mức mà HSBC cho là nhanh nhất trong ASEAN.
|
- Tỷ giá hôm nay (27/11): Đồng USD thế giới ổn định, trong nước “chợ đen” tăng trở lại
- Tỷ giá hôm nay (25/11): Đồng USD thế giới tín hiệu tích cực cho đà tăng, “chợ đen” vẫn đà thẳng tiến
- Nhiều ngân hàng tăng lãi suất để hút tiền gửi dài hạn
- Tỷ giá hôm nay (23/11): Đồng USD thế giới tăng mạnh phiên cuối tuần, “chợ đen” tăng nhẹ trở lại
- Tỷ giá hôm nay (21/11): Đồng USD thế giới tăng trở lại, “chợ đen” không ngừng đà tăng
- Thẻ MB JCB Ultimate - Đặc quyền cao cấp
- Giải mã biến động tỷ giá dù chu kỳ nới lỏng tiền tệ ngày càng rõ nét
- Tỷ giá hôm nay (18/11): Đồng USD trên thị trường thế giới duy trì sức mạnh,“chợ đen” tiếp tục tăng giá
- Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max