Việt Nam có hơn 1 triệu tấn ‘vàng xanh’ mỗi năm, giá bán rẻ nhất thế giới
Được ví như “vàng xanh” với sản lượng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, chè của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 thị trường nhưng lại có giá bán rẻ nhất thế giới.
Tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao, sáng 5/11, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,13 triệu tấn năm 2023 dù diện tích có xu hướng giảm nhẹ.
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu, nhưng giá chè lại rất rẻ. Ảnh: Nguyễn Hồng
Đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của nước ta vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Do đó, kim ngạch xuất khẩu chè của nước ta còn khá thấp khi năm 2022 chỉ thu về 237 triệu USD, tiêu thụ trong nước đạt giá trị khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.
“Lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn”, ông Mạnh nói và nêu vấn đề làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới.
Nghệ An là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước với 8.000ha, sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Song, bà Võ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, thừa nhận, giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh khá thua thiệt so với các địa phương khác.
Đơn cử, giá chè búp tươi của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000-20.000 đồng/kg, thì ở Nghệ An giá chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
“Những địa phương sản xuất chè đều mong mỏi Bộ NN-PTNT cùng chung trên 1 con tàu lớn, cùng chở quốc bảo chè của Việt Nam ra thế giới”, bà Nhung nói và hy vọng, “con tàu” này sẽ ngày càng đi xa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng thừa nhận ngành chè của địa phương này còn nhiều hạn chế và yếu kém. Diện tích sản xuất VietGAP, GlobalGAP, RA, hữu cơ… còn ít. Các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp...
Biết khai thác tiềm năng, chè có thể trở thành cây làm giàu. Ảnh: Nguyễn Hồng
Theo ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.
Ông Long nhận định, mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt. Tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, có loại chè bán giá bình quân thấp nhất ở 7 USD/kg, nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD/kg.
Tuy nhiên, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới nên tiếp tục tìm mua búp chè rẻ. Cần phải khắc phục thực trạng này bằng tập trung liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân, chính quyền địa phương, bỏ tư duy “dìm giá”, phân tán thị trường.
Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi tư duy, phải nói không với các chất bảo vệ thực vật không được phép. Đặc biệt, tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.
“Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà đã thực sự trở thành cây làm giàu”, ông Tuân nói.
Ông Tuân cho hay doanh nghiệp dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm như du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè vì tin Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo và tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn.
Nhìn nhận lại sự phát triển của ngành chè những năm qua, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cây chè có sự phát triển lớn, nhất là trong vòng 2 năm gần đây.
Tuy nhiên, còn có một số vấn đề ngành chè đang đối mặt như giá người dân được hưởng từ bán cây chè rất thấp, bình quân chỉ khoảng 6.000 đồng/kg chè búp. Trong khi đó, giá bán cây ăn quả, cà phê… đang tăng dần. Đây là một vấn đề cần trăn trở.
Ông đặt vấn đề, chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra, như vậy đây có phải là nguyên nhân khiến “ngại đổi mới”?
Hiện đã có những điểm rất sáng, nhưng vì với cùng một cơ cấu giống, vì sao năng suất chè, giá bán ở các vùng có sự chênh lệch lớn. Cần làm rõ hơn câu chuyện này để tính đến những bước phát triển tiếp theo, ông Lê Quốc Doanh gợi mở.
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 27/11/2024: Thêm ngân hàng tăng mạnh lãi huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm