Việt Nam đã có 56 ca bệnh đậu mùa khỉ
Việt Nam đã ghi nhận tổng số 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 31-10-2023, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), trong đó có 2 ca nhập cảnh vào năm 2022.
Ngoài ra, từ đầu tháng 7-2023 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các ca bệnh. Các ca bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh, thành phố, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh với 46 ca, tiếp đến là Lâm Đồng có 2 ca, Long An (2 ca), Bình Dương (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Cần Thơ (1 ca). Trong đó có 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam đã ghi nhận 56 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ
Theo Cục Y tế dự phòng, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ là 32 (ghi nhận từ 18 đến 49 tuổi mắc bệnh), hầu hết là nam giới (chiếm 92,9%). Các bệnh nhân này có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (chiếm 78,6%), dị tính (chiếm 8,9%).
Khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Cục Y tế dự phòng nhận định, đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới, đặc biệt là tại các thành phố lớn khác ngoài thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp tục thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động giám sát dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 1330/DP gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố quan tâm đẩy mạnh tập trung vào 6 nhiệm vụ trong công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể:
Thứ nhất là đẩy mạnh giám sát chủ động phát hiện sớm các ca bệnh, chùm ca bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu, lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS...
“Khi phát hiện ca bệnh, các đơn vị quản lý ca bệnh, người tiếp xúc để không lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Đồng thời tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh đậu mùa khỉ”, Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Thứ hai là đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán.
Thứ ba, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Thứ tư, chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ cao. Khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Thứ sáu, các trường hợp đậu mùa khỉ cần được giám sát và báo cáo kịp thời về Cục Y tế dự phòng.
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô