Việt Nam đi cùng nhịp các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ truyền hình
Đề án số hóa truyền hình đã hoàn thành được 4 mục tiêu lớn, mang đến cách tiếp cận mới, những kinh nghiệm để thực hiện thành công chuyển đổi số và mở thêm nhiều không gian mới.
Đề án Số hóa truyền hình giải bài toán thực tiễn
Chiều 12/1, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, Số hóa truyền hình là đề án quan trọng và xuất phát từ thực tiễn quản lý tần số; bài toán nâng cao chất lượng xem truyền hình, thu hẹp khoảng cách số cho người dân nhiều vùng miền cũng như giải quyết sự phân tán nguồn lực của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Cách đây 10 năm, Ban Chỉ đạo đã quyết định sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất thế hệ thứ 2 (DVB-T2) - công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất. Đây là quyết sách rất táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất trong dài hạn. Tại thời điểm đó, Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DVB-T2. Quyết định đó đã được thực tế minh chứng là sáng suốt vì đến nay 90% các nước sử dụng công nghệ DVB đã chọn công nghệ này.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm Đề án Số hóa truyền hình. Khi thực hiện thí điểm Đề án, mới chỉ có 5 nước sử dụng công nghệ DVB-T2, vì vậy việc thuyết phục lãnh đạo và thay đổi nhận thức của cán bộ là khó khăn. Với sự quyết tâm của địa phương và chất xúc tác từ Trung ương là Bộ TT&TT, Đà Nẵng đã hoàn thành tắt sóng truyền hình Analog.
Ông Trần Quang Hưng, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết khối lượng công việc rất lớn và VTV phải chạy đua với thời gian để hoàn thành theo đúng lộ trình.
Ngày 28/12/2020, Việt Nam chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất. Sóng DVB-T2 đã phủ ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với trên 80% dân cư, vượt 10 điểm % so với mục tiêu đề án đặt ra.
Đánh giá về những thành công của đề án, ông Đoàn Quang Hoan cho rằng phải kể đến những quyết sách và các sáng kiến hợp lý. Theo đó, 3 điểm được ông Hoan nhắc tới là: Sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Yêu cầu tích hợp đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 trên các máy thu hình được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, chiến lược chuyển đổi từ thành thị, vùng đông dân sau đó mới đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã mang đến thành quả.
"Trái ngọt" nhờ thay đổi tư duy và cách tiếp cận
Đại diện nhiều đài truyền hình và doanh nghiệp chia sẻ, nhờ sự bắt tay hợp tác, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, Đề án số hóa truyền hình đã thu "trái ngọt".
Theo ông Võ Thành Nhân, Phó Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long: Công nghệ DVB-T2 xóa mờ câu chuyện về giới hạn của truyền hình thế hệ cũ. Thế mạnh của mạng đơn tần là không còn ranh giới xa hay gần và giúp cho các đài truyền hình tiết kiệm nhân lực, nâng cao chất lượng nội dung. Sau khi triển khai xong hệ thống DVB-T2, Đài truyền hình Vĩnh Long đã tập trung nâng cao được chất lượng nội dung, khả năng phủ sóng mở rộng ra cả các tỉnh phía Bắc và Đà Nẵng, nhờ đó đạt mức tăng trưởng đáng kể.
Hội nghị truyền trực tuyến tới nhiều điểm cầu. |
Phát biểu tại sự kiện, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, Đề án số hóa truyền hình không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về quản lý và tổ chức bởi đây cũng chính là phần khó nhất khi triển khai.
“Tư duy chuyển đổi tổ chức, bộ máy, thị trường là khó khăn nhất bởi chúng ta phải tách hệ thống truyền dẫn ra khỏi đài truyền hình, thực hiện thị trường hóa, giao việc truyền dẫn, phát sóng cho các doanh nghiệp. Do đó, phải làm sao thuyết phục mọi người rằng việc này mang lại lợi ích lớn cho đất nước, cả về kinh tế khi đầu tư hạ tầng tập trung thay vì hạ tầng phân tán vô cùng tốn kém. Đây chính là khó khăn, thách thức lớn nhất. Khi được giao thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để thay đổi tư duy, suy nghĩ. Đây là điều lớn nhất chúng ta đã làm được trong đề án này”, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Kinh nghiệm quý cho chuyển đổi số và mở ra không gian mới
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, trải qua hơn 9 năm, Đề án Số hóa truyền hình đã hoàn thành được 4 mục tiêu lớn, cụ thể là: Hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số thế hệ thứ hai với hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất tăng 30 lần so với truyền hình tương tự mặt đất.
Mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình mặt đất vượt mục tiêu đã đề ra, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu truyền hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.
Thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia dùng ngân sách Nhà nước; Ngoài ra, đã tổ chức, sắp xếp theo hướng chuyên môn hoá, tập trung vào khâu sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu kết luận hội nghị. |
Đề án Số hóa truyền hình bắt đầu với nhiều thách thức nhưng Việt Nam đã giữ đúng cam kết và trở thành một trong những nước thuộc nhóm dẫn đầu hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất nhờ cách tiếp cận phù hợp.
"Trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 78/193 nước hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm. Thành công của Đề án là do chúng ta có những cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Có 7 nhân tố mang đến thành công cho Đề án là: Hoàn thành hành lang pháp lý trước, tạo ra cơ chế hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; Có lộ trình phù hợp; Đi thẳng vào công nghệ hiện đại; Sáng tạo, linh hoạt vận dụng cơ chế tài chính phù hợp; Quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân, đặt người dân làm trung tâm; Truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân; Sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương.
Việt Nam chỉ có thể thay đổi thứ hạng nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới về cái mới và muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số công nghệ số thứ hai giúp chúng ta đi cùng với các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ truyền hình. Trong tương lai, việc chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực sẽ xảy ra. Những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hoá truyền hình sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công các chuyển đổi tiếp theo.
“Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải liên tục chuyển đổi. Chuyển đổi để đón nhận những cơ hội mới, chuyển đổi để tiến tới những điều tốt đẹp hơn và công cuộc chuyển đổi lớn nhất của chúng ta là chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới số, gọi là chuyển đổi số mà ngành ta được giao lĩnh ấn tiên phong. Kế thừa và mở ra không gian mới sẽ là cách mà chúng ta làm để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng nói.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã tặng bằng khen và kỷ niệm chương cho 53 tập thể và 47 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án Số hóa truyền hình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai Đề án. |
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/hoi-nghi-tong-ket-so-hoa-truyen-hinh-808506.html
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?
- Ai cũng có thể là nạn nhân của deepfake khiêu dâm trong kỷ nguyên AI
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam