Việt Nam mở cửa với thế giới nhưng sẽ không phụ thuộc vào công nghệ
Việt Nam là điểm đến tiềm năng của các Big Tech, nhưng chúng ta cũng cần có tầm nhìn xa, để tránh sự phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài.
Trong vài năm trở lại đây, thế giới đang chứng kiến nhiều sự thay đổi khó lường, không tuân theo quy luật truyền thống.
Đó là những thách thức đến từ sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, hay những trận chiến xuất hiện ngay trong lòng Châu Âu, nơi tưởng chừng như đã trở thành một xứ sở hoà bình.
Về mặt công nghệ, đó là sự nổi lên của những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech). Một số Big Tech như Google, Amazon, Facebook, Apple (gọi chung là GAFA) đang cho thấy tầm ảnh hưởng vượt trội, xuyên biên giới.
Những công ty này nắm trong tay lượng khách hàng, dữ liệu người dùng cực lớn và dần trở thành những dịch vụ không thể thiếu trong đời sống mỗi người.
Những Big Tech như Google, Amazon, Facebook đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài cả các hoạt động kinh tế thông thường.
Tuy vậy, sự nổi lên và thâu tóm thị trường của những Big Tech cũng mang đến những lo ngại nhất định, khi rất dễ dẫn đến tình trạng nền kinh tế số của một quốc gia bị phụ thuộc hoàn toàn và các nền tảng số nước ngoài.
Đơn cử như câu chuyện của Nga, nhiều Big Tech đã quyết định rút lui khỏi nước này như một đòn trừng phạt và cấm vận kinh tế sau cuộc xung đột vũ trang với Ukraine.
Theo lẽ thường, điều này sẽ để lại một khoảng trống công nghệ cực lớn mà một quốc gia nếu thiếu hụt các nền tảng số trong nước sẽ không thể nào có thể bù đắp được. Thực tế này khiến chính phủ nhiều quốc gia bắt đầu có cái nhìn thận trọng hơn, nhằm tránh sự lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới.
Ông Hoàng Viết Tiến – Giám đốc tư vấn chiến lược Tập đoàn Insider.
Trao đổi với VietNamNet về câu chuyện làm sao để tránh sự phụ thuộc về công nghệ, ông Hoàng Viết Tiến – Giám đốc tư vấn chiến lược Tập đoàn Insider cho rằng, với lượng khách hàng khổng lồ như hiện nay, Việt Nam chắc chắn sẽ được coi là điểm đến tiềm năng của Facebook cũng như các Big Tech khác.
Khi GAFA mở rộng các hoạt động tài chính trên lãnh thổ Việt Nam, điều này sẽ đặt ra vấn đề về mặt chính sách quản lý.
Việc nghiên cứu xu hướng quản lý của các quốc gia trên thế giới đối với hoạt động của các Big Tech như GAFA là cần thiết, nhằm gợi mở một số nội dung xây dựng chính sách quản lý đối với các nhóm đối tượng này.
Việt Nam cần nghiên cứu xu hướng quản lý của các quốc gia trên thế giới đối với hoạt động của các Big Tech.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới.
Sau 20 năm xuất hiện Internet tại Việt Nam (từ năm 1997), chúng ta đã có tới hơn 60 triệu người sử dụng Internet, trong đó riêng mạng xã hội Facebook có gần 50 triệu người sử dụng.
Đồng thời, Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện để hình thành một số mạng xã hội của riêng mình hoặc liên kết giữa Việt Nam và các nước. Ví dụ như mạng Zalo, Lotus, Gapo hay Zingme trước đây…
Theo ông Hoàng Viết Tiến: “Điều đó cho thấy, mạng xã hội rất phổ biến ở Việt Nam. Tự do báo chí, tự do trình bày các quan điểm và sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam phù hợp với sự phát triển của thế giới, khu vực cũng như sự phát triển của đất nước.”
Vị chuyên gia này cho rằng, các biện pháp đang được chính phủ thực hiện thời gian quan qua vừa đáp ứng việc mở cửa với thế giới, nhưng cũng lại vừa tránh được sự phụ thuộc vào nền tảng số nước ngoài.
Nhiều nền tảng số đã được các doanh nghiệp Việt Nam ra mắt thời gian qua. Đây là điều rất cần thiết nhằm tăng tính cạnh tranh và tránh sự phụ thuộc vào các nền tảng ngoại.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực triển khai chương trình Make in Việt Nam. Đây là thuật ngữ nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Với “Make in Vietnam", Bộ TT&TT muốn có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt.
Trong quá trình triển khai các chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh việc phải phổ cập các nền tảng số: TMĐT, dạy học trực tuyến, hỗ trợ tư vấn sức khoẻ, các dịch vụ công trực tuyến… nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Giám đốc tư vấn chiến lược Tập đoàn Insider, các chương trình do Bộ TT&TT triển khai đều đang có những tín hiệu tích cực.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Tiến hy vọng, bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế số của Việt Nam thời gian tới sẽ dần hoàn thiện hơn trong mắt mỗi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Nguồn https://vietnamnet.vn/viet-nam-mo-cua-voi-the-gioi-nhung-se-khong-phu-thuoc-vao-cong-nghe-2023992.html
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
- Người dân TPHCM đã có thể kết nối với chính quyền bằng App Công dân số
- 'Cái nắm tay' cần thiết dẫn bước doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng, livestream Facebook
- TSMC dừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Đẩy mạnh sáng tạo ứng dụng số, ứng dụng AI Make in Viet Nam