Việt Nam sẽ có 3-5 đô thị có thương hiệu tầm khu vực và quốc tế
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế, 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.
Diện tích nhà ở tại đô thị đạt 32m2/người vào năm 2030
Hôm nay (3/10), Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 8.
Trình bày tóm tắt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, TS.KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho biết, đến nay cả nước đã hình thành 2 vùng đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM. Định hướng phát triển trong những năm tới sẽ có 4 vùng đô thị: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ.
Thời gian tới mạng lưới đô thị Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình vùng đô thị và các đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện.
Đô thị trung tâm cấp quốc gia là những đô thị đặc biệt, đô thị loại I sẽ giữ vai trò đô thị động lực, là cực tăng trưởng chủ đạo trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ.
Với quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được phê duyệt, trong những năm tới việc phát triển đô thị sẽ được định hình gồm 4 vùng đô thị.
Cụ thể, vùng đô thị lớn Hà Nội có Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên, Hoà Bình và Phú Thọ.
Vùng đô thị lớn TPHCM, gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.
Vùng đô thị Đà Nẵng, gồm TP Đà Nẵng, Huế, những đô thị lân cận thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Vùng đô thị Cần Thơ, gồm TP Cần Thơ, các đô thị lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Quy hoạch này cũng định hướng phát triển Hà Nội, TPHCM thành những cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia.
Hội nghị công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 3/10. Ảnh: X.D
Quyết định phê duyệt quy hoạch đặt ra mục tiêu về tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt 70%, với số lượng đô thị toàn quốc từ khoảng 1.000 đến 1.200 đô thị, trong đó hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, có thu nhập tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước.
Bên cạnh đó, xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16-26%, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 32m2/người.
Hạn chế sự phát triển tự phát của các đô thị
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hướng tới 4 mục tiêu, trong đó đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị, nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, hình thành hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.
Phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền.
Đồng thời, xây dựng khu vực nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.
Trao đổi bên lề hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng), nhấn mạnh, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia là một kim chỉ nam rất là quan trọng cho các địa phương để khi các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch nông thôn cũng như hệ thống hạ tầng kết nối có định vị một cách rõ ràng, định hướng một cách thống nhất.
Theo bà Hằng, trước kia, chúng ta có những nghiên cứu và cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998, đó là định hướng phát triển đô thị Việt Nam. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên được thể chế hóa, đưa vào hệ thống pháp luật, đưa quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn nằm trong quy hoạch ngành quốc gia để đặt vào vị trí cũng như tầm quan trọng mang tính chiến lược.
“Có một điểm mới cần ghi nhận đó là cùng với quy hoạch, định hướng hệ thống đô thị thì chúng ta cũng định hướng cả khu vực nông thôn. Trên cả nước tỷ lệ đô thị hóa đang từ 42% sẽ tăng lên 55% vào giai đoạn tới. Chính vì vậy, sự chuyển tiếp của đô thị và khu vực nông thôn được đô thị hóa thì cần phải định hướng một cách thận trọng nhất. Làm sao vẫn đáp ứng những mục tiêu phát triển đô thị, nhưng vẫn giữ được bản sắc của nông thôn, nhất là khu vực đem lại những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa và cần phải bảo tồn”, bà Hằng nói.
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 27/11/2024: Thêm ngân hàng tăng mạnh lãi huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm