Vụ Vạn Thịnh Phát: Sự ân hận muộn màng của các bị cáo Lan, Vân, Cơ, Hoàng
Sau gần một tháng, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm đã dần đi đến hồi kết. Ngày 17/10 tới đây, TAND TPHCM sẽ đưa ra phán quyết đối với các bị cáo vì những sai phạm trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Bà Trương Mỹ Lan loanh quanh chối tội, thuộc cấp thành khẩn khai báo
Trong quá trình xét hỏi tại tòa, ngoài bà Trương Mỹ Lan, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành 25 mã trái phiếu khống và chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư, các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB và những công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đều khai thực hiện theo chủ trương của bà Lan.
W-truongmylan.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HĐ
Tương tự, ở tội danh “Rửa tiền”, thuộc cấp của bà Lan cũng thành khẩn nhận tội. Đặc biệt, bị cáo Bùi Văn Dũng (tài xế của bà Lan) thì khai, theo yêu cầu của bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bà Lan), đã nhiều lần tới gặp Trần Thị Thúy Ái (cựu thủ quỹ Ngân hàng SCB) để nhận 108 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Dũng vận chuyển về nhà riêng của bà Lan tại 127 Pasteur hoặc trụ sở Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo. Từ đó, số tiền này được bà Lan dùng vào các mục đích khác nhau.
Đối với tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, các bị cáo khai theo chỉ đạo của bà Lan nên đã lập các hợp đồng khống để chuyển và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
W-truonghuevan.jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: Nguyễn Huế
Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống SCB.
Theo cáo buộc, tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.000 tỷ đồng...
Các đồng phạm đã thừa nhận hành vi, khai nhận thực hiện theo chủ trương và chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Nhưng bà Lan lại phủ nhận hoàn toàn cáo trạng và lời khai của thuộc cấp.
Đối với việc phát hành trái phiếu, bà Lan khai năm 2018, bà Nguyễn Phương Hồng (cựu thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc SCB - đã mất) hay nói về vấn đề SCB lâm vào bế tắc vì thường xuyên bị thanh, kiểm tra.
429562295 322784154141364 8538372133613664456 n 963 3641.jpg
Ông Chu Lập Cơ. Ảnh: TTBC
Sau đó, bà Hồng ngỏ ý "mượn" các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
“Bị cáo nghĩ nếu không cho mượn công ty thì có thể SCB sẽ sụp đổ hết. Do đó, bị cáo mới cho mượn chứ không chủ trương phát hành trái phiếu. Bị cáo có biết gì đâu mà chủ trương” - bà Lan trình bày.
Bà Lan cũng khẳng định mình không rửa tiền, cho rằng số tiền chuyển đi nước ngoài ít hơn rất nhiều so với số tiền ở nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Mặc dù không nhận tội nhưng bà Lan lại tự nguyện đem các tài sản của mình ra để khắc phục hậu quả cho trái chủ.
Theo đó, bà Lan đề nghị đem bán "siêu dự án" Amigo với khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), dự án 6A ở Bình Chánh (TPHCM). Ngoài ra, bà này còn mong muốn HĐXX hủy bỏ kê biên cổ phần tại Công ty TNHH FWD Việt Nam, Công ty Hợp Thành 1… để bán lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Những lời nói sau cùng đầy đau đớn
Trong lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án, bà Trương Mỹ Lan không kìm được nước mắt, đôi khi phải ôm ngực để ngăn cảm xúc và hứa sẽ "không làm cho Đảng, Nhà nước và các cơ quan thất vọng", "ưu tiên hàng đầu việc khắc phục hậu quả cho hàng chục nghìn người dân".
Một mực khẳng định mình không lừa đảo, bà Lan nói tổ tiên của bà hàng trăm năm tạo dựng cơ nghiệp, chưa bao giờ vi phạm pháp luật hay có ý định lừa đảo.
Cũng trong lời nói sau cùng, bà Lan bày tỏ cả cuộc đời mình có ước mơ là xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế, nhà ở xã hội, trường học và mái ấm cho người dân khó khăn.
"Nhưng đến nay, ước mơ này chưa kịp thực hiện có lẽ do định mệnh" - bà Lan bày tỏ.
Cũng tỏ ra ân hận và tiếc nuối vì phân nửa cuộc đời còn lại phải sống trong 4 bức tường nhà giam, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) nghẹn giọng: “Người ta thường nói thời gian là vàng bạc, nhưng với bị cáo còn hơn cả vàng bạc. Bởi với mức án sắp tới và án phạt 18 năm tù của giai đoạn 1, bị cáo sẽ phải bỏ qua quãng thời gian đẹp nhất của con cái và bên người thân.
Bị cáo sẽ bỏ qua nửa cuộc đời trước đó và sống thật tốt nửa cuộc đời còn lại để biết mình là ai. Có nhiều việc bị cáo làm khiến chị Lan buồn lòng. Nhân dịp này, bị cáo muốn gửi lời tới chị, mong phần đời còn lại của chị thật bình yên, hạnh phúc”.
W-bicao.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Nguyễn Huế
Đau lòng trước cái giá phải trả của cô mình, bị cáo Trương Huệ Vân xin HĐXX xem xét khoan dung, giảm nhẹ hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan.
“Khi nhìn thấy cô của bị cáo đứng tại đây với nỗi đau xé lòng, bị cáo trở nên trống rỗng và vô cùng đau khổ” - bị cáo Vân nói lời sau cùng trong nước mắt.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) không xin giảm án cho bản thân mà xin cho vợ và Trương Huệ Vân.
“Họ có phẩm chất cao quý, thể hiện tình yêu với người dân Việt Nam thông qua những đóng góp trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19. Tôi mong HĐXX đưa ra mức án nhẹ nhất để họ được sớm trở về phục vụ đất nước” - ông Chu Lập Cơ nói.
Các bị cáo còn lại cũng tỏ ra ân hận khi nói lời sau cùng, mong HĐXX xem xét cho họ khi lượng hình.
- Nộp thêm 3.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan tha thiết xin được thoát án tử hình
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu
- Bà chủ Xuyên Việt Oil mang cả ‘chai nước tương và đôi dép’ đi tặn
- Truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án mới
- Loạt quan chức nhận hối lộ trong vụ Xuyên Việt Oil hầu tòa
- Bắt hung thủ giết người sau 1 giờ gây án ở Đồng Nai
- Quá trình phá đường dây mua bán hơn 16kg ma túy của cặp vợ chồng hờ ở Hà Nội
- Điên cuồng ném bom xăng vào nhà ‘con nợ’