Vụ bỏ thầu của Tân Hoàng Minh: "Bom hàng thế kỷ" hay "cú đùa lịch sử"?
Xin bỏ cọc, Tân Hoàng Minh không chỉ mất trắng 600 tỷ đồng mà còn có thể đối diện với chế tài khác nếu như cuộc đấu giá bị phát hiện vi phạm...
Liệu có động cơ nào khác sau kịch bản bỏ giá thầu cao rồi đơn phương xin chấm dứt vụ hợp đồng mua bán đấu giá tài sản?
Thông tin ông chủ Tân Hoàng Minh xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản, lô đất diện tích hơn 10.000m2 tại Thủ Thiêm (TPHCM) gây "rúng động" dư luận và giới đầu tư suốt những ngày qua.
Bỏ cọc thầu vốn không phải là việc lạ nhưng lạ là số tiền cọc mà doanh nghiệp xin bỏ rất lớn (gần 600 tỷ đồng). Con số cọc này gần như chưa có tiền lệ và lý do tiền cọc lớn như vậy là bởi giá trúng lô đất "vô tiền khoáng hậu" lên tới hơn 24.000 tỷ đồng. Chính kỷ lục này đã đưa giá đất tại khu trung tâm TPHCM cao ngang ngửa những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo, Hồng Kông...
Giá trúng thầu lô đất này của Tân Hoàng Minh được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định là "không phù hợp, giá không thực". Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là "điển hình của nhiễu loạn thị trường" và dường như khả năng bỏ cọc đã được chính Bộ trưởng dự đoán từ trước.
Ngay sau khi giá đất kỷ lục được thiết lập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm những quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Quyết định xin bỏ cọc của Tân Hoàng Minh được Chủ tịch Tân Hoàng Minh lý giải "đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo chiều hướng khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt". Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, việc doanh nghiệp bỏ cọc là tất yếu, khi khó có thể huy động 1 tỷ USD để thực hiện đúng hợp đồng.
Chấp nhận bỏ cọc, nghĩa là doanh nghiệp này mất trắng gần 600 tỷ đồng - số tiền không hề nhỏ, đồng thời phải đối diện các chế tài khác khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản. Dư luận không khỏi hoài nghi bởi với một người làm kinh tế sẽ không dễ dàng chấp nhận mất một khoản tiền "khủng" như thế. Liệu có động cơ nào khác sau kịch bản bỏ giá thầu cao rồi đơn phương xin chấm dứt hợp đồng mua bán?
Không chỉ gây nên cơn địa chấn trên thị trường bất động sản mà quyết định của Tân Hoàng Minh đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Ngay sau khi thông tin Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc được tung ra, cổ phiếu bất động sản ngay lập tức lao dốc, giảm sàn. Trong đó, những cổ phiếu được cho là hưởng lợi lớn nhất từ cuộc đấu giá này đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp sau thời gian "tăng nóng". Nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu bất động sản đầu cơ sau thời gian "ăn theo" sức nóng của giá khu đất vàng Thủ Thiêm đã nhận ngay "quả đắng", phải bán tống, bán tháo để chốt lời. Hiệu ứng này vẫn tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch ngày 13/1.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tích cực, tác động trước mắt lên thị trường chứng khoán của việc Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc sẽ là một cú hích thức tỉnh đối với nhiều nhà đầu tư, làm cho thị trường chứng khoán có xu hướng phát triển lành mạnh, minh bạch hơn...
Bỏ cọc, Tân Hoàng Minh thiệt hay lợi? Ngân sách nhà nước từ hoạt động đấu giá đất có ảnh hưởng gì về trước mắt và lâu dài đối với quyết định bỏ cọc, chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng của doanh nghiệp này hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc nhà đầu tư bỏ cọc, không thanh toán tiền sau khi đấu giá không vi phạm các quy định pháp lý nhưng sẽ tạo tiền lệ không tốt cho công tác đấu giá tài sản về sau.
Bởi vậy, các cơ quan quản lý phải đánh giá, điều chỉnh các quy định liên quan đến đấu giá theo hướng hoàn thiện, chặt chẽ hơn, có chế tài để tránh trường hợp lợi dụng việc đấu giá nhằm trục lợi, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn.
Phải chặn đứng mọi nguy cơ nhiễu loạn thị trường bất động sản, bằng việc ban hành kịp thời các quy định theo pháp luật!.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/vu-bo-thau-cua-tan-hoang-minh-bom-hang-the-ky-hay-cu-dua-lich-su-20220114080926950.htm
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm