Vụ nổ núi lửa "nghìn năm có một" ở Tonga mạnh gấp 500 lần bom nguyên tử
Các nhà khoa học ước tính vụ nổ núi lửa Tonga có sức công phá gấp 500 lần quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima, tàn phá quốc đảo Thái Bình Dương.
Khói bụi bốc lên cao khi núi lửa phun trào ở Tonga (Ảnh: Stuff).
"Chúng tôi ước tính vụ nổ có sức công phá tương đương khoảng 10 megaton", James Garvin, nhà khoa học tại Trung tâm Không gian Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nói với NPR hôm 18/1, đề cập tới vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tại Tonga hôm 15/1.
Theo NPR, điều này đồng nghĩa với việc vụ nổ núi lửa ở Tonga mạnh gấp 500 lần quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Theo Michael Poland, nhà địa vật lý tại Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, tiếng nổ từ vụ phun trào núi lửa có thể nghe thấy ở tận Alaska và đây được cho là một trong những vụ nổ mạnh nhất trên Trái đất trong hơn một thế kỷ qua.
"Đây có lẽ là vụ phun trào lớn nhất kể từ vụ phun trào núi lửa Indonesia Krakatoa vào năm 1883", ông Poland cho biết, đề cập tới vụ phun trào núi lửa vào thế kỷ 19 khiến hàng nghìn người chết và tạo ra nhiều tro bụi đến mức phần lớn khu vực chìm trong bóng tối.
Vụ phun trào đã khiến tro bụi bay cao 20 km và tạo ra tiếng nổ lớn có thể nghe thấy ở cách đó hơn 10.000 km. Nhiều ngày sau vụ nổ, Tonga vẫn bị cô lập so với phần lớn với thế giới. Các tuyến cáp viễn thông dưới biển dường như đã bị cắt đứt, trong khi sân bay bị tro bụi bao phủ, khiến các chuyến bay cứu trợ đến thủ đô Nuku'alofa gặp nhiều khó khăn.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Tonga đang bị khói bụi phủ lên (Ảnh: Unosat).
Các chuyến bay trinh sát của chính phủ New Zealand cho thấy, tro bụi phủ kín các ngôi nhà và nhiều công trình khác tại 170 hòn đảo của Tonga. Bộ Ngoại giao New Zealand thông báo 2 người được xác nhận đã thiệt mạng và sóng thần đã tràn vào bờ biển phía tây của đảo chính Tongatapu, gây ra thiệt hại lớn.
Chính quyền Tonga xác nhận, ngoài nhiều người bị thương, ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong vụ phun trào núi lửa, trong đó có một phụ nữ 65 tuổi sống ở đảo Mango, một người đàn ông 49 tuổi ở đảo Nomuka và một công dân Anh. Liên Hợp Quốc hôm 17/1 cho biết đã phát hiện những tín hiệu cầu cứu đáng lo ngại ở các đảo vòng ngoài của quần đảo Ha'apai của Tonga.
Những đợt sóng thần cao tới 15 m đã tàn phá Togatapu, hòn đảo chính của Tonga, cũng như các đảo 'Eua và Ha'apai. Theo báo cáo của chính phủ Tonag, tất cả các ngôi nhà trên đảo Mango đã bị phá hủy, ngoài ra Tonga cũng ghi nhận thiệt hại lớn trên các đảo Fonoifua và Nomuka.
Công tác cứu hộ đang được triển khai gấp rút tuy nhiên lại gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng ở Tonga bị phá hủy, hệ thống thông tin liên lạc vẫn bị gián đoạn. Hải quân Tonga đã cử đội ngũ y tế, vận chuyển nước, thực phẩm và lều bạt cho các cộng đồng ở nhóm đảo Ha'apai.
Qua nghiên cứu hình ảnh vệ tinh cũng như kinh nghiệm trong quá khứ, các nhà khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa dữ dội dưới đáy biển ngoài khơi Tonga có thể gây thiệt hại lâu dài đến môi trường như hiện tượng mưa axit, cá chết hàng loạt, xói mòn bờ biển. Ngoài ra, không loại trừ khả năng tiếp tục xảy ra các đợt phun trào khác. Trong khi đó, việc theo dõi hoạt động của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã trở nên khó khăn hơn do miệng núi lửa vốn nằm ngang mực nước biển nay đã chìm hẳn xuống dưới.
Núi lửa phun trào hôm 15/1 ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Thái Bình Dương (Ảnh: Straits Times).
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
- Thêm sức sống mới cho di sản văn hóa phi vật thể