Vua pin xe điện’ Trung Quốc rơi vào tầm ngắm vì thống trị thị trường

Thứ năm, ngày 6 tháng 4 năm 2023 | 8:28

Sức “bật” nhanh chóng của tỷ phú Robin Zeng, nhà sáng lập tập đoàn pin xe điện CATL, đã làm dấy lên lo ngại ở Mỹ và ngay tại quê hương của ông.

 

Chú thích ảnh

Nhà sáng lập tập đoàn CATL Robin Zeng

Trong hầu hết thập kỷ qua, tên tuổi của doanh nhân người Trung Quốc Robin Zeng ít được chú ý đến, mặc dù tập đoàn CATL của ông đã vươn lên chiếm lĩnh được hơn 1/3 thị trường pin xe điện toàn cầu với xuất phát điểm từ một cơ sở ở làng chài cũ Ninh Đức phía Đông Nam Trung Quốc. Nhờ thành công của ngành xe điện, năm 2022, ông thậm chí soán ngôi của nhà đồng lập sáng lập sàn thương mại điện tử Alibaba, Jack Ma trong danh sách tỷ phú giàu nhất ở Trung Quốc. 

Tờ Financial Times đưa tin, nhưng hiện nay, sức mạnh không thể tranh cãi trong ngành sản xuất pin xe điện đã đưa CATL rơi vào tầm ngắm của các nhà quản lý và quan chức chính trị ở cả Washington và Bắc Kinh, khi hai siêu cường trên đều lo ngại về sự thống trị của một tập đoàn duy nhất trong lĩnh vực có tính chiến lược cao và đang phát triển bứt tốc này.

Bị Washington cáo buộc là có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh, ông Robin Zeng đã gây ra những bất đồng chính trị ở Mỹ khi các nhà sản xuất ô tô tăng cường hợp tác với CATL, trong bối cảnh lưỡng đảng đang lo ngại về an ninh quốc gia và muốn các công ty Trung Quốc tránh xa khỏi đất Mỹ. Nổi bật trong số đó là việc tập đoàn Ford cấp phép sử dụng công nghệ CATL tại nhà máy trị giá 3,5 tỷ USD ở thành phố Marshall, Michigan. Ford dự định trang bị pin lithium iron phosphate (LFP) rẻ hơn của CATL cho hai dòng xe điện. 

“Dự án lớn của Ford sẽ mang lại 2.500 việc làm mới cho cộng đồng nông nghiệp nhỏ ở Marshall, nhưng nó cũng sẽ đưa kẻ thù địa chính trị lớn nhất của Mỹ vào vùng trung tâm”, ông Marco Rubio, Phó chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ lưu ý. 

Cổ phiếu của CATL đã tăng cao hơn trong phiên giao dịch ngày 31/3 sau khi xuất hiện tin tức rằng tập đoàn này cũng đang đàm phán hợp tác với tập đoàn xe điện Tesla của Elon Musk.

Thỏa thuận này dường như mang lại cho tập đoàn Trung Quốc này một chỗ đứng quan trọng trên thị trường Mỹ, bất chấp Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và cắt giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc.

Theo IRA, các phương tiện được chế tạo với những linh kiện được sản xuất tại “các tổ chức nước ngoài đáng lo ngại”, trong đó có  Trung Quốc, sẽ không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi về thuế sau năm 2024. Tuy nhiên, bản quy định vừa được ban hành vào tuần trước, đã không làm rõ lập trường của Mỹ về nguồn gốc của bộ phận pin.

Chú thích ảnh

Kỹ thuật viên tại CATL kiểm tra bộ phận pin xe điện tại nhà máy ở Ninh Đức, Phúc Kiến. Ảnh: Xinhua 

Ông Vivaswath Kumar, người từng là quản lý về bộ phận pin của Tesla trước khi ra ngoài thành lập công ty khởi nghiệp về pin Mitra Chem, cho biết: “Thương vụ này chắc chắn đã làm rung chuyển ngành công nghiệp. Sẽ  bất lợi cho Mỹ nếu không để việc chuyển giao công nghệ đó diễn ra”.

Chuyên gia Tu Le tại nhóm tư vấn Sino Auto Insights ở Bắc Kinh đã nhận định tiềm năng của thỏa thuận CATL-Tesla ở Texas là “rất lớn”. Bất chấp IRA, CATL có thể trở thành đối tác của hai trong số những người chơi lớn nhất của Mỹ để mở đường vào quốc gia này một cách hiệu quả.

Ông Henry Sanderson tại Benchmark Mineral Intelligence cho rằng tỷ phú Zeng đã chọn cách tránh đánh bóng tên tuổi, không giống như các tỷ phú ngang hàng như người đồng sáng lập Alibaba Jack Ma hay “ông trùm” của hãng pin đối thủ Envision Zhang Lei.

Zeng nổi tiếng là một nhà quản lý kỹ thuật năng động. Nhưng theo nhà báo Sanderson tại Financial Times, ông Zeng và các cộng sự ngay từ những ngày đầu tiên đã lo lắng về các mối đe dọa như cạnh tranh công nghệ của các đối thủ và bị cuốn vào những căng thẳng địa chính trị.

“CATL không muốn ở dưới ánh đèn sân khấu. Họ luôn lo lắng về ngày này, khi nào nó đến và có vẻ như nó đã đến”, nhà báo Sanderson nói.

Trong ngành công nghiệp ô tô từng bị thống trị bởi Ford, Volkswagen và Toyota - những công ty có gần 300 năm hoạt động, CATL đã phát triển nhanh chóng để trở thành một trong những công ty sản xuất quan trọng nhất thế giới.

Người sáng lập của nó trưởng thành từ một nền giáo dục nông thôn nghèo nàn. Ông đã tiếp tục xây dựng CATL dựa trên thành công trước đó của mình với ATL, công ty sản xuất pin điện thoại lithium giá rẻ cho Apple và Samsung.

Năm 2011, CATL ra đời khi ông Zeng nhắm đến các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và chống ô nhiễm không khí bằng cách phát triển ngành công nghiệp xe điện trong nước.

Tập đoàn này hiện cung cấp pin cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn, điển hình là Tesla, BMW và Volkswagen, đồng thời đang mở rộng sản xuất sang Đức và Hungary.

Các nhà phê bình cho rằng sức tăng trưởng nhanh chóng của CATL có được là nhờ sự hỗ trợ của Bắc Kinh và việc Bắc Kinh ngăn chặn các nhà cung cấp nước ngoài. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổng chi tiêu nhà nước tích lũy cho lĩnh vực xe điện ở Trung Quốc đạt gần 60 tỷ USD từ năm 2009 đến năm 2017. Chi tiêu đã tăng thêm 66 tỷ USD từ năm 2018 đến năm 2021.

Pin LFP giá rẻ của CATL đã thể hiện sự cạnh tranh gay gắt đối với những loại pin có hóa chất giàu niken được sản xuất bởi các nhà sản xuất pin hàng đầu của Hàn Quốc, LG, SK và Samsung.

Tập đoàn này cũng chi nhiều hơn LG cho công tác nghiên cứu và phát triển. Theo dữ liệu của Dealogic, CATL đã chi hơn 4,5 tỷ USD cho để mua lại các công ty nhỏ hơn trong 5 năm qua, tăng cường nắm giữ trong chuỗi cung ứng pin từ mỏ khai thác đến thiết bị sạc.

Tuy nhiên, vào tháng trước, một động thái can thiệp trực tiếp hiếm hoi của Chủ tịch Tập Bình đã dẫn đến việc các cơ quan quản lý của Bắc Kinh cảnh báo CATL phải kiềm chế tốc độ mở rộng.

Vào đầu tháng 3, ông Tập Cận Bình đã nói với tỷ phú Robin Zeng tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Bắc Kinh rằng ông vừa “vui mừng vừa lo ngại” trước sự thống trị của CATL.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ ra nguy cơ mở rộng quá mức và khả năng xảy ra chu kỳ bùng nổ và phá sản, vốn đã xảy ra với một số ngành công nghiệp đang phát triển nhanh của Trung Quốc, như bất động sản và năng lượng mặt trời.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng nên đưa ra những chính sách công nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp một cách ổn định và thận trọng.

Vài ngày sau cuộc họp doanh nghiệp trên, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cơ quan giám sát thị trường hàng đầu của đất nước này, đã ban hành chính sách “cửa sổ định hướng” - thuật ngữ ngành cho các quy định không chính thức - để CATL giảm quy mô xuống còn 1 tỷ USD hoặc ít hơn kế hoạch huy động 5 tỷ USD thông qua một sàn niêm yết thứ cấp của Thụy Sĩ, hai nhân viên ngân hàng quen thuộc với vấn đề này nói với FT. Chính sách đó đã khiến CATL tạm dừng niêm yết.

Cả CATL và CSRC đều không đưa ra phản hồi về vấn đề này. Trong khi đó, các chủ ngân hàng cảnh báo rằng những chính sách đó của cơ quan quản lý có thể làm nguội lạnh kế hoạch gây quỹ của những doanh nghiệp nhỏ hơn như CALB và Svolt Energy Technology.

Các chuyên gia đánh giá rằng lối tiếp cận táo bạo vào thị trường của Robin Zeng cũng phản ánh sự linh hoạt của ông hướng đến khách hàng, vốn là cốt lõi dẫn đến thành công của CATL.

Phó giáo sư Daniel Chng về chiến lược tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc ở Thượng Hải và là cố vấn của CATL cho biết tập đoàn đã học hỏi rất nhanh để xây dựng giá trị thương hiệu bằng cách tập trung vào những gì khách hàng mong muốn.

Tuy nhiên, ông Chng nhìn thấy rõ rủi ro dài hạn mà CATL sẽ phải đối mặt nếu căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, hay nếu các quan chức Mỹ coi tập đoàn này là mối đe dọa chiến lược, như đã từng xảy ra với “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei.

Nguồn: https://baotintuc.vn/