Vững trụ cột an sinh
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Trong hành trình đưa các chính sách lan tỏa, thấm sâu vào đời sống, đến với số đông người dân, người lao động, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 29 năm Ngày thành lập Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội (15/6/1995-15/6/2024), Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: “Vững trụ cột an sinh”, để thấy rõ hơn toàn ngành luôn nỗ lực, bền bỉ vun trồng cho vườn “an sinh” ở Thủ đô ngày càng phát triển.
Bài 1: Nhận về những “trái ngọt”
Hoạt động với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tham gia các chính sách là mục tiêu hướng đến và thước đo đánh giá hiệu quả, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thủ đô nhận về những “trái ngọt”. Đó là số người tham gia các chính sách tăng, số người hưởng lợi tăng theo năm tháng.
Chính sách BHXH bắt buộc đến với nhiều người lao động trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Minh Vũ
Vườn “an sinh” mở rộng
BHXH thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định 15/QĐ-TCCB ngày 15-6-1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đến tháng 1-2003, BHXH thành phố Hà Nội tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của bảo hiểm y tế Hà Nội, bảo hiểm y tế ngành Dầu khí, ngành Giao thông vận tải, ngành Than. Từ ngày 1-8-2008 đến nay, cơ quan BHXH thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng khi địa giới hành chính Thủ đô được điều chỉnh mở rộng.
Giống như nhiều sở, ngành khác, khi nhiều đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, phục vụ các đối tượng khác nhau thành “người một nhà”, thời gian đầu, ngành BHXH gặp không ít khó khăn từ khâu vận hành bộ máy, cách thức tổ chức, cho đến định hướng phát triển. Tuy nhiên, khi tất cả cùng hướng đến mục tiêu: “Đưa càng nhiều người dân, người lao động vào lưới an sinh càng tốt”, thì những khó khăn, thách thức dần lùi xa. Thay vào đó là những “trái ngọt” được ví như “đặc sản”.
“Trái ngọt” dễ nhận thấy và định lượng đó là số người tham gia các chính sách duy trì đà tăng liên tục. Đến nay, toàn thành phố có gần 2,07 triệu người tham gia BHXH, đạt hơn 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. So với thời điểm năm 1995, số người tham gia BHXH tăng gấp gần 7 lần (năm 1995 có khoảng 300.000 người tham gia). Mừng hơn, đại đa số lao động có tên trên hệ thống BHXH bắt buộc đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều này giúp người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề trong giai đoạn không may bị mất việc làm, để sớm trở lại thị trường lao động.
BHXH tự nguyện hướng tới người dân làm nông nghiệp, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống. Hiện toàn thành phố có gần 85.000 người tham gia, bằng hơn 2,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu thành phố giao.
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia. Ảnh: Minh Vũ
Ấn tượng đặc biệt là bảo hiểm y tế dần cán đích mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân khi số người tham gia chính sách hiện đạt hơn 94,3% dân số ở Thủ đô, tương ứng với gần 8 triệu người có tấm thẻ an sinh. Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh, người dân được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn viện phí.
Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, sau 29 năm bền bỉ, nỗ lực vun trồng, vườn “an sinh” ở Thủ đô ngày càng mở rộng, phát triển.
Gia tăng số người hưởng lợi
Tỷ lệ thuận với số người tham gia các chính sách tăng lên là nguồn thu bổ sung vào các quỹ an sinh tăng, số người thụ hưởng quyền lợi tăng, phạm vi hưởng ngày càng mở rộng.
Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, tổng số thu từ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tăng liên tục, từ hơn 100 tỷ đồng vào năm 1995 lên hơn 60.000 tỷ đồng vào năm 2023. Tỷ lệ chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế của người lao động giảm dần. Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi của Hà Nội là 2,3%, thấp nhất trong vài năm gần đây.
Các chỉ số tích cực trong công tác thu của ngành BHXH tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2024. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Hà Nội đạt 26.151 tỷ đồng, tăng 2.761 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng hơn 11,8% so với cùng thời điểm 2023.
Nguồn thu vào các quỹ an sinh được phục vụ chủ yếu cho việc bảo đảm an sinh của người dân, người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thế nên, số lượng người thụ hưởng các chính sách ngày một tăng, phạm vi quyền lợi ngày càng mở rộng.
Dẫn chứng là, 5 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 252.000 lượt người. Chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho gần 5,4 triệu lượt người với số tiền hơn 9.920 tỷ đồng, bằng 118,7% so với cùng thời điểm năm trước.
Nhờ được hỗ trợ phần lớn tiền viện phí, không ít trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội hồi sinh sự sống. Gần đây nhất, bệnh nhân có mã thẻ TE1010131xxxxxx, sinh năm 2021, trú tại xã Phú Phương (huyện Ba Vì) được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán số tiền gần 3,2 tỷ đồng cho 16 tháng điều trị bệnh tích lũy glycogen.
Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho người thụ hưởng trên địa bàn Hà Nội bảo đảm an toàn, đúng đối tượng. Ảnh: Minh Vũ
Đối với người cao tuổi thụ hưởng chính sách, hằng tháng, cơ quan BHXH thành phố Hà Nội chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH an toàn, chính xác, kịp thời cho 593.000 người hưởng. Thời gian chi trả hoàn thành trước ngày 10 của tháng, trừ những tháng đặc biệt theo quy định của cấp trên và có hướng dẫn riêng.
Không chỉ gia tăng số người thụ hưởng các chính sách, mà quyền lợi của người tham gia không ngừng được mở rộng. Chẳng hạn, với bảo hiểm thất nghiệp, người thụ hưởng có quyền lựa chọn nhận tiền trợ cấp hoặc học nghề miễn phí để gia tăng cơ hội trở lại thị trường lao động. Với bảo hiểm y tế, người dân chỉ phải đóng tiền mua thẻ với số tiền theo quy định, nhưng được hưởng không giới hạn về số tiền chi trả và thời gian điều trị.
Khoảng cách giữa người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc ngày càng thu hẹp, khi 100% số người tham gia theo hình thức tự nguyện được ngân sách thành phố hỗ trợ một phần mức đóng hằng tháng. Trong trường hợp chuyển đổi hình thức tham gia BHXH từ bắt buộc sang tự nguyện và ngược lại, tất cả đều được hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động có thể ở lại hệ thống an sinh.
Cứ thế, những “trái ngọt” do ngành BHXH xã hội cùng các cơ quan chức năng nhận được sau hành trình 29 năm nỗ lực “vun trồng” thiết thực góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
(Còn nữa)
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước