Vướng mặt bằng, công trình bỏ hoang

Thứ sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025 | 11:34

Hai công trình trường mầm non và tiểu học xây dựng trong khuôn viên Dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội (huyện Thạch Thất) cơ bản thi công xong từ cuối năm 2022 nhưng do vướng mặt bằng, chưa được gia hạn thời gian thi công nên đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để nghiệm thu, đưa vào sử dụng

Không chỉ gây lãng phí lớn tài sản, nguồn vốn đầu tư, hai công trình bỏ hoang còn khiến nhiều học sinh trong thôn 5 (xã Thạch Hòa) phải đi học xa, không bảo đảm an toàn.

lang-phi.jpg
Trường tiểu học nằm trong Dự án xây dựng trường học tại khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ hoang nhiều năm qua.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, công trình trường mầm non (ô đất CC1) và trường tiểu học (ô đất CC4) đều xây dựng tại phân khu phía Bắc thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư. Hai công trình này được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu học tập của con em người dân thôn 5 nói riêng (có đất bị thu hồi thực hiện Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội) và xã Thạch Hòa nói chung. Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, trường mầm non đã giải ngân 14,1/17,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 81,22%; trường tiểu học giải ngân 21,1/23,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92%.

Thực tế tại 2 công trình cho thấy, đến thời điểm hiện nay, các hạng mục như các dãy phòng học, nhà hiệu bộ, sân chơi, vườn hoa, tường bao... của 2 trường đều đã cơ bản hoàn thiện nhưng lại bỏ hoang lãng phí. Do lâu ngày không sử dụng, cỏ cây trong và ngoài 2 trường mọc um tùm, một số hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp... Hiện còn một số hạng mục phòng cháy, chữa cháy của trường mầm non; cổng, đường chính vào trường tiểu học chưa xây dựng nên không đủ điều kiện đưa công trình vào sử dụng.

Trưởng thôn 5 (xã Thạch Hòa) Nguyễn Văn Cường cho biết: “Nhìn hai công trình trường mầm non và tiểu học bỏ hoang đã lâu, người dân thôn 5 nói riêng và xã Thạch Hòa nói chung không khỏi xót xa. Chưa có trường học, hiện con em của 37 hộ dân trong khu tái định cư và gần 600 hộ dân thôn 5 phải đưa con đi học ở trường cách xa 5-9km".

Còn anh Lê Tiến Bảy - sống trong khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội, giãi bày: "Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân thôn 5 liên tục đề nghị chủ đầu tư và Đại học Quốc gia Hà Nội sớm có giải pháp nhằm hoàn thiện, đưa hai công trình vào sử dụng, nhưng đến nay 2 công trình vẫn “án binh bất động".

Nói về nguyên nhân khiến dự án chưa thể hoàn thành so với tiến độ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn thông tin, nguyên nhân chính do Dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội hết thời gian thi công. Hai năm qua, UBND huyện đã nhiều lần có văn bản gửi Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện dự án nhưng đến nay chưa được gia hạn. Vì lý do này, từ năm 2022 đến nay, nhiều hạng mục thuộc công trình xây dựng 2 trường này phải dừng thi công. Do trường học chưa được đưa vào sử dụng nên hiện nay có nhiều học sinh ở khu vực này phải đi học rất xa.

Ngoài 2 công trình kể trên, do hết thời hạn thi công nên các công trình phúc lợi khác thuộc dự án như trường trung học cơ sở, nhà văn hóa, trạm y tế… nằm trong Dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chưa được triển khai. Chưa kể, những tồn tại này còn ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường đi vào khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội và việc xây dựng hệ thống lưới điện, đường ống nước để cấp cho các hộ dân trong khu vực.

Để khắc phục những tồn tại tại 2 công trình trường mầm non và tiểu học, cũng như Dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Phùng Khắc Sơn cho biết, huyện Thạch Thất tiếp tục có văn bản gửi Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị sớm điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Sau khi được điều chỉnh, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại để đưa các công trình vào sử dụng. Đối với các hạng mục chưa triển khai đầu tư, huyện sẽ đề nghị cấp thẩm quyền chấp thuận triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026-2030 để dự án hoàn thành đồng bộ, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nhân dân.