WB đưa 5 giải pháp giúp Việt Nam cải cách thể chế hiệu quả

Thứ năm, ngày 19 tháng 5 năm 2022 | 10:20

Sau khi đạt kết quả là một trong những quốc gia chuyển đổi kinh tế thành công nhất trên thế giới trong 25 năm qua, thể chế của Việt Nam cần được hiện đại hóa để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

WB đưa 5 giải pháp giúp Việt Nam cải cách thể chế hiệu quả - Ảnh minh họa.

WB đưa 5 giải pháp giúp Việt Nam cải cách thể chế hiệu quả - Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của WB, thể chế có thể sẽ trở thành trở ngại lớn đối với việc hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

Trong báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia cho Việt Nam của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả” mới công bố hôm 18/5, tổ chức này đề xuất cách tiếp cận cụ thể về cải cách thể chế theo một mô hình phương pháp luận đơn giản nhưng trực quan. Điểm khởi đầu là thể chế cần được thiết kế sao cho đảm bảo thực thi được những ưu tiên phát triển của quốc gia với hiệu suất và hiệu quả cao nhất.

Thể chế cần thích ứng cho phù hợp với những thách thức phát triển mới và phức tạp đang phát sinh trong bối cảnh trong nước và thế giới đang thay đổi nhanh nhóng. Đáng tiếc là kết quả thực thi của Việt Nam được xác định qua khác biệt giữa khát vọng và thực tế triển khai chưa được đồng đều trong thập kỷ qua. Mặc dù đã triển khai rất hiệu quả những ưu tiên về mở cửa thương mại, chuyển đổi số và hòa nhập xã hội, nhưng Việt Nam chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc thực thi những ưu tiên khác như tăng trưởng xanh, tài chính toàn diện và nâng cấp hạ tầng, báo cáo WB nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, do chuyển đổi từ nền kinh tế thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao khó hơn so với chuyển đổi từ thu thấp sang thu nhập trung bình, nên kết quả triển khai tổng thể cần phải lớn hơn gấp ba lần so với những gì đạt được trong giai đoạn từ 2010 đến 2020 để Việt Nam đạt được những khát vọng phát triển của mình.

Nguồn: Báo cáo SCD cập nhật cho Việt Nam, Nhóm Ngân hàng Thế giới 2021.

Nguồn: Báo cáo SCD cập nhật cho Việt Nam, Nhóm Ngân hàng Thế giới 2021.

Trong báo cáo của mình, WB nêu 5 cải cách quan trọng cần triển khai để cải thiện kết quả thực thi của Việt Nam. Việt Nam cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân; thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia để bảo đảm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nhờ bước đầu triển khai đồng bộ 5 cải cách thể chế trên, Việt Nam đã dần chuyển đổi từ nền kinh tế đóng cửa thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới trong thập kỷ 1990 và 2000. Nhưng lộ trình từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao sẽ có nhiều thách thức hơn trước.

Qua triển khai một cách có hệ thống 5 cải cách thể chế nêu trên, Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực để triển khai những chiến lược của quốc gia, nâng cao động lực để đem lại kết quả cao hơn trong một số lĩnh vực quan trọng như: Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện, an sinh xã hội và nâng cấp hạ tầng, qua đó giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.

 

 

Nguồn https://doanhnhanvn.vn/wb-dua-5-giai-phap-giup-viet-nam-cai-cach-the-che-hieu-qua.html