WHO khẩn cấp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Thứ ba, ngày 27 tháng 8 năm 2024 | 18:29

Ngày 27-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (mpox) lây từ người sang người.

Động thái này được đưa ra ít ngày sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu liên quan tới mpox. Nhiều bệnh nhân đã được xác định nhiễm chủng mới gây tử vong cao hơn, được gọi là nhóm 1b.

benh-nhan-mac-benh-dau-mua-.jpg

Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được điều trị tại Congo. Ảnh: CT

Đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới nhất ở châu Phi đang gây ra những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em khi có tới hơn 60% số ca tử vong được biết đến là trẻ dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo của WHO, nhóm 1b được cho là nguyên nhân gia tăng số ca lây nhiễm mpox từ người sang người gần đây. Theo thông tin cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC), thời điểm hiện tại đã có hơn 21.300 trường hợp nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc mpox.

Từ đầu năm đến nay, đã có 590 ca tử vong tại 12 quốc gia châu Phi. Nghiêm trọng hơn, các trường hợp nhiễm chủng vi rút mới đã được phát hiện bên ngoài châu Phi, như tại các nước: Philippines, Thái Lan, Thụy Điển, Pakistan.

Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược của WHO được thực hiện dựa trên các nguyên tắc về công bằng, đoàn kết toàn cầu, trao quyền cho cộng đồng và phối hợp giữa các lĩnh vực. Giai đoạn triển khai kế hoạch dự kiến kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9-2024 đến tháng 2-2025 với kinh phí lên tới 135 triệu USD.

Hiện nay, WHO đang thành lập các nhóm hỗ trợ quản lý sự cố để lãnh đạo các hoạt động sẵn sàng ứng phó, đồng thời gia tăng số lượng nhân sự tại các quốc gia bị ảnh hưởng.

Bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch nhằm mục đích tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, bảo đảm mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với vắc xin tiêm phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Kế hoạch tiêm chủng hướng đến những người có nguy cơ cao nhất, như người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như bảo đảm các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.

Ở cấp độ toàn cầu, vai trò của các nhà lãnh đạo được đánh giá mang tầm chiến lược bởi khả năng đưa ra những hướng dẫn kịp thời và thúc đẩy các biện pháp ứng phó y tế cho nhóm có nguy cơ cao, nhất là ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

WHO đang phối hợp với nhiều đối tác và mạng lưới quốc tế, khu vực, quốc gia, địa phương để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó. Một hội nghị khoa học trực tuyến bàn thảo biện pháp phòng, chống mpox sẽ được tổ chức vào ngày 29 và 30-8 liên kết nghiên cứu mpox với các mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Phối hợp với hành động của WHO, nhiều quốc gia trên thế giới đang nâng cao tinh thần phòng, chống mpox và hỗ trợ nỗ lực phòng chống dịch toàn cầu. ACDC đã hợp tác với nhà sản xuất vắc xin Bavarian Nordic giúp cung cấp 2 triệu liều trong năm nay và 10 triệu liều vào cuối năm 2025.

Nước Đức đang quyên góp 100.000 liều vắc xin cho các quốc gia bị ảnh hưởng từ kho dự trữ của quân đội nước này. Cùng với đó, Pháp đã cam kết cung cấp 100.000 liều vắc xin.

Việc “xóa sổ” hoàn toàn mpox trên toàn cầu hơn 40 năm trước là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử y tế công cộng, đánh bại một căn bệnh đã gây ra tử vong, mù lòa và dị tật cho nhân loại trong ít nhất 3.000 năm.

Tuy nhiên, thành công này đã dẫn đến việc chấm dứt chương trình tiêm chủng toàn cầu, vốn cung cấp, bảo vệ, chống lại các bệnh liên quan bao gồm mpox - loại bệnh đã lan truyền từ vật chủ động vật sang lây nhiễm cho con người ở Tây và Trung Phi với tần suất ngày càng tăng kể từ những năm 1970.

Sau 4 thập kỷ, chủng vi rút liên quan tới mpox lại khiến thế giới phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đây là thách thức y tế đáng lo ngại kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết, các đợt bùng phát mpox ở Congo và nhiều nước láng giềng có thể được kiểm soát và ngăn chặn. Để làm được như vậy, cần có một kế hoạch hành động toàn diện và sự phối hợp giữa các cơ quan quốc tế, quốc gia và địa phương, xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất...