Warren Buffett sắp "bỏ túi" gần 4 tỷ USD nhờ lãi suất tăng
Berkshire dự kiến thu về 3,7 tỷ USD tiền lãi trong năm nay, nhiều gấp hơn 2 lần so với 1,7 tỷ USD từ nguồn tương tự của công ty trong năm 2022 và gấp khoảng 6 lần so với 600 triệu USD năm 2021...
Tỷ phú Warren Buffett - Ảnh: Reuters
Lãi suất cao là một trong những nhân tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây ở Mỹ và đe dọa đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, với công ty đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, lãi suất cao lại có lợi.
Công ty của nhà đầu tư huyền thoại dự kiến “bỏ túi” gần 4 tỷ USD thu nhập từ lãi và thu nhập phi cổ tức khác từ trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như một số khoản đầu tư tương tự trong năm nay.
Đây là ước tính được ông James Shanahan, nhà phân tích nghiên cứu cổ phiếu cấp cao tại Edward Jones đưa ra.
“Chắc chắn các Berkshire sẽ được hưởng lợi nhờ lãi suất tăng lên trong ngắn hạn từ các khoản đầu tư của mình”, ông Shanahan nói.
Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng lưu ý rằng lãi suất tăng cao cũng đã gây áp lực lên doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp của Berkshire, bao gồm môi giới bất động sản, xây dựng nhà ở, môi giới ô tô và công ty về sản phẩm xây dựng.
Ông ước tính Berkshire sẽ thu về 3,7 tỷ USD tiền lãi và thu nhập từ đầu tư trong năm nay. Con số này nhiều gấp hơn 2 lần so với 1,7 tỷ USD từ nguồn tương tự của công ty trong năm 2022 và gấp khoảng 6 lần so với 600 triệu USD năm 2021.
Berkshire thu về tiền lãi từ tiền mặt, các khoản tương đương tiền, trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại chứng khoán lãi suất cố định khác. Năm 2022, thu nhập từ đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn chiếm khoảng 50-60% tổng tiền lãi và thu nhập từ đầu tư của công ty này.
Năm 2022, Berkshire cũng được hưởng lợi lớn từ việc hoàn tất thương vụ mua lại Alleghany và sở hữu các tài sản phát sinh lãi của công ty bảo hiểm này.
Tại thời điểm đầu năm 2023, công ty của tỷ phú Buffett có 150 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán lãi suất cố định 2,6% - ông Shanahan ước tính. Ông Buffett và đội ngũ của mình có xu hướng sẽ giữ tiền mặt trong các tài sản có tính thanh khoản tốt và an toàn cho tới khi xuất hiện các cơ hội đầu tư mới.
"Về cơ bản, từ lâu Berkshire đã đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ như một hình thức cất giữ tiền mặt”, ông Adam Mead, tác giả cuốn sách "The Complete Financial History of Berkshire Hathaway”, nói với Business Insider. “Ông Buffett coi trọng khả năng tiếp cận vốn một cách chắc chắn hơn bất kỳ khoản tiền lời gia tăng có thể kiếm được từ tiền gửi ngân hàng hay các công cụ tương tự khác”.
Trong hai năm đầu diễn ra đại dịch Covid-19, ông Buffett và đội ngũ của mình đã chật vật tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi các công ty vốn cổ phần tư nhân và công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đều tăng giá của các thương vụ mua bán. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của Berkshire tăng lên cũng khiến cho chương trình mua lại cổ phiếu của công ty gặp khó.
Tuy nhiên, sang năm 2022, vận may của vị tỷ phú 92 tuổi đã thay đổi. Berkshire đã chi kỷ lục 68 tỷ USD để mua cổ phiếu. Trừ đi các cổ phiếu bán đi, công ty này mua ròng 34 tỷ USD cổ phiếu trong năm qua. Ngoài ra, Berkshire cũng mua lại công ty bảo hiểm Alleghany với giá 12 tỷ USD và chi thêm 8 tỷ USD để mua lại cổ phiếu.
Nguồn: https://vneconomy.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất