Xăng dầu liên tiếp tăng cao, Việt Nam "kìm cương" thế nào?
Trước những bất cập của việc trích lập quỹ BOG và giảm thuế, một số chuyên gia đề nghị có thêm công cụ khác để "kìm cương" đà tăng của giá xăng dầu. Trong đó, nổi bật nhất các đề xuất liên quan tới bảo hiểm giá xăng dầu.
Việt Nam "kìm cương" xăng dầu thế nào?
Do ảnh hưởng từ sự xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu thế giới trong thời gian qua đã tăng rất mạnh. Đã có thời điểm, giá dầu tăng trên 140 USD/thùng.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu thế giới vẫn neo ở mức rất cao, trên 110 USD/thùng. Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ địa chính trị, giá xăng dầu trong nước cũng phải điều chỉnh tăng theo thế giới.
Việt Nam có 2 giải pháp chính để kìm cương đà tăng của xăng dầu. Đó là sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) và giảm một số loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xăng dầu cho biết: Trong quý I/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ghi nhận chuỗi tăng giá liên tục với 6 lần tăng giá liên tiếp và đạt đỉnh lịch sử vào ngày 11/3/2022 với mức tăng mạnh nhất từ trước tới nay.
Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá xăng E5RON 92 sẽ lên đến mức 29.735 đồng/lít và xăng RON 95 có thể đã cán mốc 30.824 đồng/lít. Tính đến đợt điều chỉnh ngày 11/3/2022, giá xăng đã tăng 25%, giá mặt hàng dầu đã tăng gần 39% so với thời điểm đầu năm 2022.
Hiện tại, sau khi đạt đỉnh vào kỳ điều hành ngày 11/3/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành sau đó, cùng với diễn biến giảm chung của giá dầu thế giới.
Dù vậy, nhìn chung, giá xăng dầu trong nước ở thời điểm hiện tại vẫn được đánh giá là ở mức cao, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam có 2 giải pháp chính để kìm cương đà tăng của xăng dầu. Đó là sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) và giảm một số loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu.
Tuy nhiên, 2 giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, về lâu dài sẽ bộc lộ ra các điểm yếu.
Với quỹ BOG, trong bối cảnh giá xăng dầu không ngừng tăng giá, cơ quan chức năng buộc phải chi nhiều hơn thu. Điều này sẽ khiến quỹ BOG rơi vào cảnh khánh kiệt.
Thực tế cho thấy, trong đợt tăng giá tháng 3 vừa qua, quỹ BOG đã hết, nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) đã âm quỹ và phải tự trích lợi nhuận ra bù vào.
Trong khi đó, việc giảm các khoản thuế, phí liên quan tới xăng dầu, như việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới việc thu ngân sách Nhà nước.
Một hướng đi khác cho việc điều hành giá xăng dầu
Trước những bất cập đó, một số chuyên gia đề nghị có thêm công cụ khác để kìm cương đà tăng của giá xăng dầu. Trong đó, nổi bật nhất các đề xuất liên quan tới bảo hiểm giá xăng dầu.
Ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Dầu toàn cầu của Sở ICE cho biết, hiện nay, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu quốc tế.
Một số chuyên gia đề nghị có thêm công cụ khác để kìm cương đà tăng của giá xăng dầu.
Theo thống kê của Sở ICE, có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường đến từ nhóm kinh doanh hàng vật chất, nghĩa là các công ty khai thác, chế biến, thương mại xăng dầu trên toàn thế giới.
Đối với các sản phẩm tinh chế, giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, và có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung như Sở ICE và MXV.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: Các công cụ bảo hiểm giá mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước có thể ngay lập tức sử dụng như: hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá.
Đặc biệt, doanh nghiệp còn có thể sử dụng hợp đồng quyền chọn với khả năng kiểm soát mức rủi ro tối đa của doanh nghiệp, nhưng không giới hạn lợi nhuận.
Với các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán, người mua ở đây là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định (premium) để mua quyền (không có nghĩa vụ) thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn. Tùy vào diễn biến giá có lợi hay bất lợi sau đó, doanh nghiệp sẽ quyết định có thực hiện quyền trong hợp đồng hay không. Khi đó, mức rủi ro tối đa sẽ là chi phí premium, trong khi lợi nhuận sẽ không bị giới hạn.
Bên cạnh các hợp đồng tiêu chuẩn như dầu WTI, dầu Brent, dầu ít lưu huỳnh, xăng pha chế RBOB, khí tự nhiên; ông Phạm Quang Anh cũng giới thiệu tới Hội nghị các sản phẩm có khối lượng hợp đồng, biên độ giá và mức ký quỹ nhỏ hơn như dầu Brent mini, dầu WTI mini và dầu WTI micro. Các sản phẩm năng lượng đa dạng sẽ phù hợp với nhiều phương pháp bảo hiểm giá, phù hợp với nhiều quy mô doanh nghiệp trên cả nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch hiệp hội xăng dầu Việt Nam đánh giá cao tính thực tiễn cũng như vai trò của công cụ bảo hiểm giá trong bối cảnh hiện tại, đồng thời khẳng định khi công cụ này được triển khai sâu rộng tới các doanh nghiệp, sẽ giúp ngành xăng dầu trong nước phát triển bền vững và ổn định, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
Nguồn congluan.vn
https://congluan.vn/xang-dau-lien-tiep-tang-cao-viet-nam-kim-cuong-the-nao-post190064.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam