Xăng dầu và cơ chế
Tháng 5/2020, khi giá dầu thô quốc tế ở mức 28 USD mỗi thùng, tôi và một số người bạn quyết định đặt cược lớn để mua dầu.
Chúng tôi sau đó bán hết các khoản đầu tư vào dầu ở mức giá gần 80 USD/thùng vào tháng 10/2021, với mức tăng hơn 180%. Đa số chúng tôi kiếm lời cao hơn mức này nhiều vì mỗi người đều dùng đòn bẩy tài chính, nghĩa là chỉ bỏ vào 20-50% vốn đầu tư, phần còn lại là các công ty môi giới cho vay.
Nhưng giá dầu không dừng ở đó mà tiếp tục vọt lên nữa, đến nay đang tiệm cận mức 100 USD/thùng. Kết quả là giá xăng dầu ở nhiều nước tăng theo, một số nước tăng từ 50-60% trong 2021.
Vì sao giá xăng dầu lên mạnh như vậy? Câu trả lời đúc kết suốt nhiều năm đầu tư dầu là: vì các chính sách trong và sau Covid-19, gọi nôm na là "cơ chế".
Cụ thể là gì? Hãy quay lại ngày 20/4/2020, ngày lịch sử mà giá dầu trên thị trường giao sau đạt mức âm do lượng cung quá nhiều. Các kho lưu trữ không muốn nhận dầu, khiến người bán còn phải trả phí để người mua chấp nhận lấy dầu. Đó là giai đoạn mà tổ chức liên minh xuất khẩu dầu mỏ OPEC gồm 13 thành viên quyết định cắt giảm sản lượng dầu 10% để đảm bảo cung không vượt cầu. Khi thế giới đang trong đợt phong tỏa thứ nhất, chưa có vaccine, giao thương quốc tế và du lịch giảm 70-80%, mức cắt giảm này bị chỉ trích là "không đủ". Sau đó mười nước xuất khẩu dầu lớn ngoài OPEC cũng cắt giảm sản lượng. Ai cũng nghĩ giá dầu còn lâu mới lên lại.
Chúng tôi đầu tư dầu vì nghĩ rồi dịch sẽ qua. Sản lượng dầu bị cắt giảm sẽ khó hồi phục nhanh trong khi nhu cầu dầu tăng nhanh. Nhưng không ai trong chúng tôi nghĩ tốc độ hồi phục lại nhanh như vậy. Chúng tôi dự đoán phải mất mấy tháng giá dầu mới trở lại trên 50 USD một thùng và rồi ổn định ở mức 60 USD một thùng vì dịch còn lâu mới qua.
Tuy nhiên, vaccine ngừa Covid-19 xuất hiện sớm và đợt hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế từ đầu 2021 làm bất ngờ nhiều người. Vấn đề đẩy giá xăng dầu lên cao cũng từ đây mà ra.
Sự hồi phục nhanh chóng của các nền kinh tế chủ chốt có tỷ lệ tiêm vaccine cao không khiến khối OPEC yên tâm mà tăng sản lượng trở lại. Sản lượng xăng dầu vì vậy chậm hồi phục trong khi nhu cầu xăng dầu tăng nhanh hàng tháng. Từ tháng 7/2021, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA (International Energy Agency) đã tranh cãi với nhóm OPEC+ (13 thành viên OPEC và 10 nước xuất khẩu dầu lớn ngoài OPEC) vì các nước này không chịu tăng sản lượng.
OPEC+ có lý của họ vì ai đảm bảo tiến trình hồi phục kinh tế sẽ không chững lại? Nếu họ tăng sản lượng mà có những biến chủng virus mới khiến thế giới quay lại tình trạng phong tỏa thì sao? Không lâu sau đó, lo ngại của OPEC+ có vẻ đúng khi chủng Omicron xuất hiện và lan nhanh ở nhiều nước. Điều này càng khiến nhóm các nước xuất khẩu dầu trì hoãn khôi phục công suất cung ứng.
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng các nước OPEC+ cũng đồng ý tăng sản lượng, dự kiến sản lượng dầu tăng thêm 400 nghìn thùng một ngày vào tháng 3/2022 và sẽ phần nào làm dịu tình hình căng thẳng giá dầu. Tuy nhiên kết quả thực hiện đến lúc này cho thấy gần ba phần tư các nước OPEC+ không thực hiện được cam kết. Không tính những nước gặp khó khăn như Nigeria, những nước xuất khẩu dầu hàng đầu, thuộc loại "nhà có điều kiện" như Arab Saudi cũng không đạt cam kết (tất nhiên có cả Nga). Vì vậy, nguồn cung dầu thiếu hụt trong khi cầu ngày càng tăng nhanh do nhiều nền kinh tế hồi phục và tuyên bố trở lại bình thường hoàn toàn chứ không phải "bình thường mới".
Xung đột giữa Nga, châu Âu và Mỹ ở Ukraine cũng góp phần khiến nhiều nước lo ngại nguồn cung xăng dầu và khí đốt gián đoạn lâu hơn nữa.
Giá dầu quốc tế tăng do cơ chế đồng thuận khó khăn và sự chậm trễ tăng sản lượng của những nước xuất khẩu dầu thì đã rõ. Nhưng khi về tới Việt Nam, thêm một cơ chế nữa làm tình trạng khan hiếm trở nên phức tạp hơn. Trước tiên là cơ chế điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương khiến giá không theo kịp thế giới.
Bộ Công Thương 10 ngày mới điều chỉnh giá xăng dầu một lần. Bên cạnh đó, mỗi lần giá xăng dầu quốc tế tăng, lại xuất hiện nhiều bất cập trong điều chỉnh giá xăng dầu và cách tính toán chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở. Vì vậy, giá xăng dầu trong nước không điều chỉnh kịp, hoặc điều chỉnh chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn kêu lỗ.
Cơ quan điều hành có cái khó của mình. Nếu tăng giá quá cao có thể tác động đến người dân và doanh nghiệp. Đó là chưa kể áp lực lạm phát. Kết cục, Bộ vẫn phải điều hành giá theo kiểu "cân bằng lợi ích" nhiều bên như vậy; dẫn đến doanh nghiệp vẫn có thể kêu lỗ hay thiếu hàng, còn người dân vẫn kêu giá tăng mạnh quá.
Là một nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam có thể làm giảm nhẹ tình hình nếu có ngành công nghiệp lọc dầu phát triển. Nhưng đầu tàu là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lại đang phải giảm công suất, có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu tiền và thua lỗ. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên tới 3,3 tỷ USD trong ba năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD. Nhà máy Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, nhưng lại trong tình trạng giảm công suất xuống còn 55% và đang thua lỗ.
Nguyên nhân theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cổ đông đại diện phía Việt Nam trong công ty, là do thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án. Tuy nhiên, công tác quản trị Nghi Sơn cũng được cho là "có vấn đề" và PVN cho rằng vì phía Việt Nam chỉ chiếm 25% cổ phần nên không thể can thiệp nhiều.
Những câu chuyện trên chỉ ra rất nhiều bất cập trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là xăng dầu ở Việt Nam. Không nói đến cơ chế quốc tế mà Việt Nam không thể can thiệp, riêng trong nước, những nút thắt về cơ chế điều hành xăng dầu, cũng như hoạt động sản xuất xăng dầu nội địa đang hiển hiện. Cơ quan điều hành muốn duy trì cơ chế hài hòa lợi ích nhiều bên, nhưng rời xa quy luật thị trường, để rồi cũng không thể hài hòa được lợi ích của bên nào cả.
Theo tôi, phải xem xét trả cơ chế xăng dầu về cho thị trường, và giải quyết bài toán lợi ích của các bên khác qua công cụ thuế, phí, cũng như các quỹ hỗ trợ. Ví dụ ở Anh, thay vì can thiệp vào giá và việc cung ứng xăng dầu, chính phủ cố gắng làm giảm tác động của đợt biến động giá năng lượng quá cao này bằng cách chi 9 tỷ bảng Anh hỗ trợ người dân. Gói này bao gồm chi cho mỗi hộ gia đình 200 bảng dưới dạng chiết khấu hóa đơn điện nước, giảm thuế đóng cho chính quyền địa phương 150 bảng, và cấp tiền cho các địa phương hỗ trợ hộ thu nhập thấp, cũng như doanh nghiệp để họ cân đối không tăng mạnh giá điện, xăng.
Doanh nghiệp vẫn tự quyết định giá cuối cùng của mình. Như vậy thị trường quyết định giá bán, nhưng Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho dân. Người dân nhận được một khoản hỗ trợ và tự họ tính toán để đối mặt với vấn đề giá xăng dầu tăng.
Đã đến lúc, chúng ta cần một cơ chế điều hành phù hợp hơn với giá xăng dầu để tránh đến hẹn lại lên gặp điệp khúc cũ.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/xang-dau-va-co-che-4429602.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá