"Xào nấu" số liệu mùa báo cáo tài chính

Thứ hai, ngày 4 tháng 4 năm 2022 | 14:53

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời kỳ cao điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2021 và dần phát hành BCTC quý I/2022. Lúc này, doanh nghiệp làm ăn ra sao, lỗ - lãi thế nào sẽ được phản ánh trên từng con số cụ thể.

Tuy nhiên, giấy trắng mực đen đôi khi lại chẳng đáng tin vì BCTC chưa hẳn đã là tấm gương phản chiếu đúng về kết quả kinh doanh, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ những thủ thuật mang tính "làm xiếc", "biến hóa" số liệu.

Xuất hiện trên một chương trình truyền hình gần đây, ông Đỗ Thái Hưng - Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Finpros, chỉ ra những hạng mục dễ bị "xào nấu" nhất trên BCTC chính là các khoản mục liên quan đến doanh thu và giá vốn. Bên cạnh đó, khoản doanh thu từ hoạt động tài chính cũng là một cửa mà doanh nghiệp có thể "hack" lợi nhuận dễ dàng.

Thực trạng "làm xiếc số liệu" diễn ra phổ biến đến nỗi, với những nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, họ nắm lòng bàn tay tên công ty và chủ doanh nghiệp. Cổ phiếu của những đơn vị này mặc định bị đưa vào diện đầu cơ chứ không thể đầu tư giá trị, do số liệu tài chính không đáng tin.

Mùa báo cáo nào cũng vậy, sau khi được kiểm toán độc lập, thường sẽ có một số doanh nghiệp có lỗ hoặc lãi tăng mạnh so với báo cáo tự lập, thậm chí từ lãi chuyển sang lỗ. Thực trạng "giấu lãi", "giấu lỗ" này cũng phổ biến cả với một số doanh nghiệp thuộc khối Nhà nước, và mỗi một đợt Kiểm toán Nhà nước rà soát là lập tức lại có loạt đơn vị bị phanh phui việc đội vốn, đội chi phí, tăng lỗ v.v..

Trên thị trường chứng khoán, đã có không ít trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc vì những vấn đề thuộc phạm vi BCTC không thể qua mắt kiểm toán. Ví như trường hợp doanh nghiệp lập BCTC, nhưng đơn vị kiểm toán liên tục 3 năm liền có ý kiến ngoại trừ, thậm chí là từ chối đưa ra ý kiến. Lại có doanh nghiệp dù được kiểm toán xong xuôi song nhiều năm sau lại "hồi tố" BCTC khiến nhà đầu tư, cổ đông đều khó xử.

Ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, rất khó đoán định để "đánh hơi" được những doanh nghiệp đã "chế biến" các khoản mục trên BCTC, bởi điều này phụ thuộc nhiều vào sức tưởng tượng và trí thông minh của người làm kế toán trong doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân thì thường không có nguồn lực để kiểm chứng thông tin.

Vậy nên, vị chuyên gia này cũng chỉ có thể đưa ra lời khuyên: "Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ về tính minh bạch của doanh nghiệp, nhà đầu tư nên bỏ qua. Các bạn không nên tiếc bởi cơ hội đầu tư vô vàn, không doanh nghiệp này thì doanh nghiệp khác, chỉ có mất tiền mới là mất thật".

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

Trong đó, UBCKNN được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có BCTC sai lệch hoặc có nhiều sai sót, dẫn đến phải sửa đổi... làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. "Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Hy vọng với tinh thần quyết liệt này, những doanh nghiệp vốn có thói quen "xào nấu số liệu" sẽ chùn tay, đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ dần loại bỏ được những "cổ phiếu rác", "rỗng ruột" khỏi sàn chứng khoán.

Ngoài yêu cầu doanh nghiệp nâng cao vai trò của kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập thì cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp chống cấu kết giữa kiểm toán độc lập và doanh nghiệp, rà soát lại năng lực và đạo đức kiểm toán viên. Không ít vụ bê bối kiểm toán đã xảy ra trên thế giới và khi gian lận kế toán bị phát hiện đã kéo theo sự sụp đổ của cả một công ty, hãng kiểm toán cũng không thoát khỏi rắc rối (mà điển hình là vụ Lehman Brothers).

Rồi doanh nghiệp sẽ nhận ra, dù "xào nấu" giỏi đến đâu, khoác lên bản báo cáo những số liệu đẹp như thế nào thì những vấn đề thực tế vẫn tồn tại và chẳng bao giờ giấu được mãi. Khi sự gian dối bị phát lộ và gây thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư thì cái giá không dừng lại là đánh đổi uy tín và danh tiếng, mà chủ doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán còn phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật.

Nguồn Dân Trí

https://dantri.com.vn/blog/xao-nau-so-lieu-mua-bao-cao-tai-chinh-20220403213754522.htm